Cây bình bát sống chừng chục năm, hết lớp cây này đến lớp cây khác thay nhau bám rễ, lá xanh um. Dọc theo bờ kênh, mé rọc, gió nhẹ thổi qua là trái bình bát chín cũng rụng đầy. Quà quê của con nít ngày ấy dễ tìm chỉ có vậy. Trái bình bát chín vàng tươi, vỏ mỏng, dễ tróc. Một ly bình bát chín dằm đá đường, thơm mát cả một trời nắng hạ ong ong. Làm biếng hơn, thì cứ bình bát chín bẻ ra mà ăn, mùi thơm ngọt nhẹ còn vị thì hơi nhạt, nhưng cũng đủ để có cái cho sắp nhỏ nhóp nhép.
Đám lá bình bát cũng được tụi con nít tận thu, quy thành tiền mỗi bận rủ nhau chơi đồ hàng. Hôm nào siêng hơn, thì lôi mớ chân nhang trong mấy lư hương ở nhà, hái lá bình bát xếp lại, rồi dùng chân nhang cố định, là thành vương miện để làm “ông hoàng”, “bà chúa”… Siêng thêm chút nữa thì cả đám ngồi miệt mài kết lá bình bát thành khố, thành áo để quấn lên người.
Cây bình bát cứ thế mà song hành suốt dặm dài tuổi thơ, đến những năm tháng người ta trưởng thành. Bình bát cùng họ với cây mãng cầu, tía thường dạy mấy anh trai trong nhà cách ghép chồi non của mãng cầu vào bình bát. Thân mãng cầu sống trên gốc bình bát, cho ra trái thường được gọi là mãng cầu tháp (bình bát). Cây nhiều trái hơn, thịt lẫn chút vị chua ngọt, thơm mềm và dai hơn so với mãng cầu chính gốc. Nhiều năm trở lại đây, phương án chữa bệnh áp dụng các vị thuốc dân gian, hiệu quả và ít tác dụng phụ khiến nhiều người tìm về với trái bình bát. Nhiều tài liệu đông tây y chỉ ra rằng, bình bát có tác dụng chống viêm, nhuận tràng, an thần, thanh nhiệt…; đồng thời hỗ trợ quá trình điều trị một số bệnh như: lao phổi, tiểu đường, đau nhức xương khớp… Niềm tin và lựa chọn nằm ở mỗi người, nhưng trái nhà quê đã bắt đầu lên phố. Không bán trong siêu thị hay các sàn mua sắm trực tuyến, trái bình bát lên phố như hàng xách tay, có khi bất chợt bắt gặp vài người bán dọc đường.
Cũng ít chợ truyền thống trong lòng thành thị có bán bình bát, mà thông qua các nhóm đi chợ trên mạng xã hội hay một tài khoản nào đó chuyên bán đặc sản theo mùa, có được hoa trái gì thì rao món ấy. Nếu chậm tay chốt đơn thì đành phải hẹn lần sau, nhưng cũng không biết hẹn đến khi nào. Bởi tốc độ đô thị hóa ngày càng vội vã, nhiều miền quê nhịp sống đã rộn ràng, đất ven sông rạch đã thành bờ kè lộng gió, cây hoang mọc dại như bình bát cũng thưa thớt dần. Và với nhịp sống hiện đại, đủ đầy như hôm nay, thì sắp nhỏ chắc cũng chẳng trông chờ trái bình bát vốn cũng ít hương sắc.
Có những đoạn ký ức chỉ thuộc về các thế hệ trước, cũng như có những trái sinh ra vốn chỉ quen miệt vườn. Dẫu lên phố, dẫu người ta biết đến bình bát như vị thuốc dân gian, thì cái tên nhà quê, cách cây cắm rễ, vươn mình vẫn cốt cách bình dị như mưa nắng hai mùa trên đất quê hương.