Giữa thực tế của thị trường xăng dầu với góc nhìn của nhà quản lý có độ “vênh” không phải lần đầu xảy ra. Vậy thực tế, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh đúng và xăng dầu có thực sự khan hiếm?
Trong những lần thị trường xăng dầu có “biến”, việc bán cầm chừng hoặc ngưng bán xảy ra tại các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp nhà nước như PETROLIMEX, PVOIL… không thiếu hàng. Nghịch lý này, theo chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu phân tích như sau: Từ trước Tết Âm lịch 2022, chỉ nhận được thù lao từ tổng đại lý dao động bình quân ở mức 0-200 đồng/lít. Với mức thù lao này, đại lý bán lẻ phải gồng lỗ trên từng lít bán ra. Đơn cử, trung bình một cây xăng, doanh số bán 100.000 lít trên tháng sẽ lỗ tầm 40 triệu đồng. Doanh nghiệp đầu mối đứng đầu chuỗi cung ứng, nên nếu họ lỗ chắc chắn sẽ chia lỗ cho các khâu còn lại; còn đại lý đứng cuối chuỗi cung ứng phải phải gồng gánh hết các khoản lỗ. Đó chính là lý do, khi bị lỗ, doanh nghiệp tư nhân phải tìm mọi cách không bị mất vốn, như ngưng bán và chấp nhận bị phạt. Đối với các doanh nghiệp xăng dầu nhà nước, dù cam kết không thiếu hàng nhưng đang chấp nhận lỗ để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Nhằm triệt tiêu tình trạng đầu cơ, bất ổn thị trường, một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu kiến nghị, Bộ Công thương cần cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên (hiện tại, thương nhân phân phối được phép mua xăng dầu từ nhiều nhà cung cấp, nhưng đại lý cuối cùng thì không). Được mở rộng quyền mua, đại lý có thể uyển chuyển nguồn hàng khi một trong số các kho đầu mối bị đứt nguồn cung. Mặt khác, cơ quan quản lý cần đưa ra mức thù lao sàn, chi phí kinh doanh định mức với đại lý. Mức thù lao này có thể được biến động trong một khoảng nào đó, đồng thời kéo thời gian điều chỉnh giá về 3 ngày để triệt tiêu tâm lý đầu cơ.
Với diễn biến địa chính trị vẫn tiếp tục phức tạp, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế nhận định, giá xăng dầu vẫn có khả năng diễn biến theo chiều hướng tăng cao, trong bối cảnh nguồn cung trong nước chưa thể ổn định. Do vậy, giải pháp quan trọng hiện nay, cơ quan điều hành giá cần bám sát tình hình; đồng thời đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát tiến độ nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trường hợp khi xảy ra đứt gãy nguồn cung tại một số địa phương hoặc một số doanh nghiệp, Bộ Công thương cần chủ động điều hành từ các đầu mối cũng như các thương nhân phân phối khác nhằm đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho các nơi thiếu hụt. Ngoài ra, trong công tác điều hành giá xăng dầu cũng phải đảm bảo công tác tạo nguồn để các doanh nghiệp có đủ mức lợi nhuận, giúp thị trường giảm biến động tiêu cực ở mức tối thiểu.