Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, kiêm Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phối hợp chỉ đạo phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc tập trung rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, nhập khẩu, hợp quy, kiểm tra chất lượng các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền,…
Bên cạnh đó, đặc biệt tăng cường công tác chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, thực phẩm và mỹ phẩm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an ninh - xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đến sức khỏe của người tiêu dùng, tác động xấu đến môi trường kinh doanh.
Riêng đối với các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng.
Trong khi đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết, trong năm 2017, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy 36.233 mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng. Qua đó phát hiện có 575 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đối với 2.401 mẫu dược liệu được kiểm nghiệm đã phát hiện 266 mẫu không đạt chất lượng. Trong khi đó, số lượng thuốc giả đã phát hiện trong năm 2017 là 5 mẫu, trong đó có 4 thuốc tân dược và 1 thuốc đông dược. Trong đó 4 mẫu thuốc tân dược bị làm giả tập trung vào 2 hoạt chất là Lincomycin và Prednisolon được phát hiện ở 4 tỉnh/thành phố gồm: Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai và Kon Tum.
Ngoài ra các đơn vị trong hệ thống kiểm nghiệm còn phát hiện 32 mẫu dược liệu bị nhầm lẫn, giả mạo.