Theo đó, qua kiểm nghiệm cho kết quả 13/16 tiêu chí đối với thuốc gây tê Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy đạt yêu cầu. Còn 3 chỉ tiêu chí cần có thêm thời gian để thử nghiệm và sẽ có kết quả trong thời gian tới. Lô thuốc gây tê Bupivacaine được kiểm nghiệm nói trên do Ba Lan sản xuất và cũng là lô thuốc được sử dụng tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, nghi liên quan đến các vụ tai biến sản khoa nghiêm trọng gần đây khiến 2 sản phụ tử vong và 1 người nguy kịch.
Trước đó, ngay khi xảy ra các sự cố tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng chỉ đạo ngay các cơ sở y tế trên địa bàn, tổng hợp báo cáo các trường hợp tai biến, sự cố gửi về Trung tâm Thông tin và theo dõi tác dụng phụ của thuốc (Bộ Y tế) để xác định nguyên nhân; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương (CPC) là đơn vị cung cấp thuốc gây tê Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy cần có giải pháp thay thế thuốc đã trúng thầu. Công ty CPC đã có văn bản gửi các cơ sở cung ứng thuốc trên cả nước đề nghị tạm dừng cung ứng lô thuốc nên trên, cũng như đề nghị tạm dừng sử dụng loại thuốc này.
Cùng với đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương rà soát công tác mua sắm thuốc, đảm bảo cung ứng kịp thời trong trường hợp cần thay thế thuốc Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy đã trúng thầu. Trong trường hợp cần thay thế thuốc trúng thầu, các đơn vị phải chủ động liên hệ với cơ sở kinh doanh đã được Cục Quản lý Dược cấp phép nhằm nhập thuốc kịp thời, đảm bảo đủ thuốc sử dụng. Nếu các đơn vị không lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác phù hợp, như: mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn.