Đã có thời chưa xa lắm, danh từ “điếu đóm” còn chân thật chỉ người và việc cụ thể. Đó là việc hầu điếu cho những người sang cả trong xã hội.
Điếu đóm dĩ nhiên gắn với tục hút thuốc lào của người Việt. Cũng chẳng hiểu tại sao lại gọi là thuốc lào. Đi khắp cả nước Lào hỏi mượn cái điếu không ai biết nó là cái gì. Giơ mấy sợi thuốc lào gói trong túi ni lông ra cũng không ai biết nó là cái gì. Tìm khắp Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Trùng Khánh bên Trung Quốc cũng không ai biết cái điếu hút thuốc lào. Tạm có thể kết luận thuốc lào là đặc sản duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Từ khâu trồng trọt, chế biến, buôn bán cho đến việc hút chỉ duy nhất người Việt nắm vững quy trình. Tất nhiên chẳng thể tự hào. Hút bất cứ thứ gì bây giờ đều là việc cả thế giới cảnh báo nguy hại đến sức khỏe.
Người Việt hút thuốc lào từ bao giờ chẳng ai biết cả. Theo chứng tích khảo cổ học thì cái điếu bát có niên đại xưa nhất là vào quãng thời Lý với màu men ngọc nước dưa khét tiếng. Cũng là phỏng đoán thế thôi bởi cái điếu bát đời Lý là rất cũ so với hiện vật khảo cổ nhưng lại quá hiện đại so với các loại điếu khác. Nó chứng tỏ một thời kỳ công nghệ đồ gốm rực rỡ chứ không thể chứng minh về niên đại ra đời của việc hút thuốc lào.
Người Việt hút thuốc lào bằng ba loại điếu phổ biến: Điếu ống, điếu bát và điếu cày. Thứ tự sắp xếp theo độ sang trọng. Nếu theo logic của sự phát triển thì có thể điếu cày mới là thứ ra đời trước tiên bởi độ thô sơ giản lược của nó. Điếu ống sang trọng nhất nhưng vẫn là thứ ra đời trước điếu bát bởi đầu tiên nó được chế tạo bằng gốc tre. Về sau mới cầu kỳ chế bằng gỗ gụ tiện tròn khảm trai bịt bạc. Miền núi có chiếc điếu ục giống như điếu cày nhưng hút không kêu. Hút được thuốc bằng điếu ục phải tập cả tháng trời mới mong nước điếu không chui lên miệng.
Tất cả các loại điếu hút thuốc lào đều theo nguyên lý hút khói lọc qua nước. Thành ngữ “Thuốc lá ho lao, thuốc lào bổ phổi” cũng ra đời bởi lý sự này. Người hút cho rằng khói đã lọc qua nước là khói lành. Thế nhưng để biết độ “lành” của nước điếu như thế nào phải hỏi mấy bác già trồng địa lan thì mới rõ. Tất cả các loại sâu, rệp bám ký sinh trên lá địa lan chỉ cần quét qua một lần nước điếu là bay sạch.
Điếu cày và điếu bát người hút có thể tự phục vụ. Riêng điếu ống phải có hầu điếu. Người hút ngồi xếp bằng trên sập gụ chờ hầu điếu têm thuốc, mồi lửa, vít chiếc cần đốt trúc dài cả mét đưa cho thì mới hút được. Đi xa nhà hầu điếu lẽo đẽo theo sau ôm tráp đựng thuốc, đóm và bộ đánh lửa. Điếu ống xách kè kè bên mình để dừng chân ở bất cứ đâu cũng có thể lôi đồ nghề ra phục vụ chủ. Nhiêu khê thế nên chỉ có hàng quan lại hoặc cự phú mới đủ sức ăn chơi. Vài ông đồ làng hút điếu ống ngày xưa biến học trò của mình thành hầu điếu cũng chỉ là chân sai vặt không chuyên nghiệp.
Hầu điếu phải thông thạo vài việc về điếu đóm. Đại khái đầu ngày thay nước, rửa điếu. Dùng tro bếp đánh cho guốc điếu và phần bọc bạc sáng trắng. Dùng lá chuối khô đánh bóng phần gỗ gụ khảm trai và thông cần đốt trúc bằng cái gọng ô cũ. Cuối cùng là chẻ đóm. Tre đực già phơi khô gác bếp chẻ hướng tâm sao cho cái đóm nào cũng có cật.
Hạng trung lưu hay dùng điếu bát bằng sứ đựng trong bát điếu gỗ tiện có quai xách. Xe điếu là ống trúc thẳng vẽ hoa văn bằng dùi nóng. Cái xe điếu này còn là công cụ của nền giáo dục cũ dành cho trẻ con dưới mười tuổi. Nghịch ngợm hỗn hào thường ăn vài xe điếu quắn đít.
Bình dân hút điếu cày. Tên gọi đúng theo công dụng của các bác thợ cày. Sáng sớm ra đồng thường treo điếu cày và ấm nước chè tươi trên chiếc bắp cày vác vai đánh trâu lững thững mà đi. Hút thuốc lào ngoài ruộng gió thường phải mang theo bùi nhùi rơm giữ lửa cho cả buổi. Chúm môi thổi phì phò khá lâu mới được mồi lửa vào đóm tre chập đôi. Vài bác lỡ quên mang điếu cày, ra ruộng phải khum bàn tay lại nạp thuốc vào kẽ ngón tay. Ngậm ngụm chè tươi trong miệng mà hút để đảm bảo khói vẫn lọc qua nước. Kẽ ngón tay chai bỏng lâu ngày không còn thấy đau rát nữa.
Cho đến tận bây giờ quán nước chè nào ở Hà Nội cũng có cái điếu cày. Độ tiện dụng của nó không điếu nào sánh được. Chiếc điếu cày rít mạnh phát ra tiếng kêu giòn tan gọi khách còn là công cụ kinh doanh đắc lực của hàng nước. Hai hàng nước ngồi gần nhau chỉ có thể cạnh tranh lành mạnh bằng chiếc điếu kêu hơn mà thôi.
ĐỖ PHẤN