Mua dễ hơn rau
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được giới thiệu tới một điểm kinh doanh thuốc lá điện tử trong một biệt thự ở khu Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Tại đây, chúng tôi gặp khá nhiều bạn trẻ, có người mặc đồng phục học sinh, tới thử thuốc, mua thuốc và phụ kiện kèm theo.
Theo tư vấn của nhân viên cửa hàng, tại đây có khoảng 200 loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tinh dầu. Đối với thuốc lá điện tử có nhiều loại máy, kiểu dáng và tùy công suất mà mức giá từ 500.000 đến 2 triệu đồng/chiếc. Về tinh dầu có 3 mức nicotine (nặng, vừa và nhẹ) cùng nhiều hương vị khác nhau như vị dâu, dưa hấu, xoài, xoài đào, sôcôla, nho bưởi, nho vải, đào ổi… với giá từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng/lọ.
Khi được hỏi về các thành phần trong tinh dầu liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe người hút thì nhân viên bán hàng cam kết là hàng ngoại nhập nên an toàn và không có chất cấm nguy hại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn được bán công khai tràn lan trên các trang Facebook, Instagram, TikTok cá nhân và nhiều hội nhóm “chơi” sản phẩm này. Sản phẩm còn được bán tại một số nơi kinh doanh thuốc lá truyền thống, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học.
Đáng lo ngại khi hầu hết các nơi kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các clip hướng dẫn mua bán, sử dụng loại thuốc lá thế hệ mới này đều quảng cáo với giọng điệu mê hoặc giới trẻ như “sành điệu, văn minh, dễ sử dụng, không gây nghiện và từ bỏ được thuốc lá truyền thống”.
Nhiều nguy hại
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, cho biết, đến nay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn chưa được cấp phép để phân phối ở Việt Nam. Do đó, việc kinh doanh các loại thuốc này và các sản phẩm liên quan đều là hàng xách tay, nhập lậu.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, hành vi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là vi phạm pháp luật. Hậu quả của việc thiếu kiểm soát sẽ có nguy cơ biến Việt Nam thành một trong những điểm nhập lậu sản phẩm thuốc lá mới từ các nước và gây ra nhiều mối nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là thanh thiếu niên.
Một bệnh nhân ngộ độc ma túy trong thuốc lá điện tử được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai |
Dưới góc độ chuyên gia y tế, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, số bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử đang có chiều hướng gia tăng và rất trẻ, không ít trường hợp bị đột quỵ, tổn thương phổi.
“Chúng tôi vừa điều trị cho một cô gái mới 20 tuổi ở Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, suy tim, suy thận… do hút thuốc lá điện tử”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc trong quá trình cấp cứu, đã phát hiện 13 mẫu có thành phần ma túy, cần sa tổng hợp. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ có nicotin gây nghiện mà còn chứa nhiều loại hóa chất, hương vị nhưng đều là nhân tạo và có cả chất cấm. Do đó, người hút thuốc lá điện tử sẽ bị nghiện; lâu dài bị phơi nhiễm hóa chất dẫn tới tổn thương phổi cấp tính, suy tim, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, ảnh hưởng hệ hô hấp, hệ thần kinh, gene và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Trước sự nguy hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới cộng đồng, hiện nay, nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines... đã cấm kinh doanh, sử dụng.
Theo Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khỏe và đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Nhưng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có đặc tính là sản phẩm mới, khác biệt so với đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 cho các sản phẩm này.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, nếu cho phép các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lưu hành sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, dẫn tới nghiện nicotin và sử dụng thuốc lá ở giới trẻ. Đồng thời gia tăng nguy cơ lạm dụng ma túy biến tướng trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8-12 là 8,35%; học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử, trong khi hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ 1,2%.