Thuốc hiếm sẽ bớt hiếm

Mới đây, hai bệnh nhi bị ngộ độc botulinum toxin (độc tố nặng, nguy cơ tử vong cao do thuốc giải độc khá hiếm) sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 sức khỏe đã được cải thiện nhờ kịp thời có nguồn thuốc giải độc. Tuy nhiên, qua 2 trường hợp ngộ độc này, vấn đề dự trữ các loại thuốc hiếm để phục vụ điều trị các bệnh hiếm gặp, nguy hiểm lại được đặt ra với sự quan tâm lớn của người dân.

Chi phí cao, bảo quản khó

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, sau khi ghi nhận hai trường hợp nghi ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tính đến chiều 21-2 ngành y tế thành phố chưa ghi nhận thêm trường hợp có triệu chứng tương tự. Sở Y tế đã yêu cầu lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc triển khai tới tất cả nhân viên y tế, đặc biệt các kíp trực thực hiện nghiêm yêu cầu phát hiện kịp thời, xử trí, báo cáo và phối hợp điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm. Trước đó, năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy ghi nhận chùm ca ngộ độc botulinum sau khi ăn patê chay; tháng 3-2023, 10 trường hợp ngộ độc botulinum sau khi ăn cá ủ chua tại tỉnh Quảng Nam và gần đây nhất, tháng 5-2023, 6 người tại TPHCM (3 người lớn và 3 trẻ em) bị ngộ độc botulinum sau khi ăn giò chả.

chu-de-4892.jpg
BSCK1 Nguyễn Văn Thuận, Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cùng bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám cho bệnh nhi ngộ độc botulinum toxin

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, độc tố botulinum do một loại vi khuẩn clostridium botulinum, sống trong môi trường yếm khí (không có không khí, nồng độ oxy rất thấp) gây ra. Do đó, tất cả thức ăn chế biến, đóng hộp, đóng gói vào bao kín không có oxy thì vi khuẩn botulinum có khả năng phát triển. Hiện thế giới có 3 loại thuốc giải độc tố này. “Khi được sử dụng thuốc giải độc BAT sớm, chỉ trong vòng 48-72 giờ là bệnh nhân có thể thoát khỏi tình trạng bị liệt và không phải thở máy. Trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT, chỉ có điều trị hỗ trợ mới giúp bệnh nhân ổn định”, TS-BS Lê Quốc Hùng thông tin.

v2b-1432-3814.jpg
v2a-4544.jpg
Thuốc điều trị ngộ độc botulinum được kiểm tra và bảo quản nghiêm ngặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), các loại thuốc hiếm thường có giá thành rất cao và không phải lúc nào cũng sẵn có trên thị trường, như: thuốc giải độc botulinum có giá khoảng 8.000 USD/lọ. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng giai đoạn và trong công tác thực hiện mua sắm.

Đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết, nguy cơ ngộ độc botulinum luôn rình rập ở khắp nơi, song song với việc khuyến cáo người dân tăng cường ăn chín, uống sôi, mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng… thì quan trọng nhất là khi xảy ra vụ việc phải có thuốc đặc trị để cấp cứu kịp thời. Song, rất tiếc loại thuốc giải độc hiếm này chúng ta không có hoặc có rất ít.

“Để tránh xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc kể trên phải có chiến lược dự trữ quốc gia về thuốc hiếm để khi cần là có thuốc. Tuy nhiên, kế hoạch thành lập các trung tâm dự trữ thuốc hiếm từ giữa năm 2023 đến nay vẫn chưa thực hiện được”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nói.

Để giúp các bệnh viện chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị, ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết, hiện tại có 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có. Đồng thời, triển khai xây dựng Danh mục thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu hàng năm để có kế hoạch chủ động đảm bảo nguồn cung với các thuốc hiếm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, có các nội dung đáng quan tâm như: đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính bố trí, phân bổ nguồn ngân sách nhà nước để các cơ sở khám chữa bệnh chủ động dự trù các mặt hàng thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung; có giải pháp, cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể mua sắm, dự trữ một số thuốc chống độc, ngộ độc, chấp nhận hủy bỏ khi không có bệnh nhân dẫn đến thuốc hết hạn…

Làm rõ thêm về công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết từ ngày 1-1-2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực, trong đó có quy định: “Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh”, đây là quy định tạo điều kiện hơn cho các cơ sở y tế mua sắm, đấu thầu. Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Bộ Y tế đang tập trung hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá và Thông tư quy định về cơ chế đối với thuốc hiếm được nhà nước bảo đảm.

Năm nay sẽ hoàn thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm

Theo ông Lê Việt Dũng, hiện Bộ Y tế đang tập trung triển khai việc hình thành 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm trên cả nước với số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15-20 loại. Dự kiến trong năm nay, các trung tâm dự trữ thuốc hiếm này sẽ hoàn thành. Cùng với đó, một giải pháp nữa cũng được Bộ Y tế đang tập trung triển khai là xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Tin cùng chuyên mục