Động thái này diễn ra một tháng sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng, đề thi tuyển sinh đại học ở nước này có nhiều câu hỏi nằm ngoài chương trình giảng dạy ở các trường công lập.
Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy, trong năm 2022, người dân nước này phải chi khoản phí cao kỷ lục, lên tới 26.000 tỷ won (khoảng 20 tỷ USD) để trẻ đi học thêm, bất chấp số lượng học sinh, sinh viên nhập học giảm 0,9%. Đáng chú ý, cứ 10 học sinh thì có 8 em học thêm ở các cơ sở giáo dục tư nhân, tham gia vào các trường luyện thi (còn được gọi là Hagwon) trên khắp đất nước. Áp lực phụ thuộc vào hệ thống giáo dục tư nhân khiến chi phí nuôi dạy con ở Hàn Quốc ở mức cao nhất thế giới, dẫn đến tâm lý e ngại có con, khiến tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm xuống nhóm thấp nhất thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo công bố kế hoạch, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho cam kết loại bỏ các “câu hỏi hóc búa” trong các kỳ thi, vốn kéo theo tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa phụ huynh và học sinh tại các lớp học thêm. Bộ Giáo dục cũng tìm giải pháp đảm bảo tính công bằng ở kỳ thi tuyển sinh đại học.
Để đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ thiết lập một ủy ban độc lập nhằm lọc ra những “câu hỏi hóc búa”, đánh giá mức độ công bằng của bài kiểm tra. Những giáo viên tham gia ra đề thi sẽ bị cấm bán bộ câu hỏi, cung cấp các bài giảng hoặc tư vấn thông tin liên quan đến kỳ thi đại học trong khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng kiểm soát hệ thống giáo dục tư nhân, tăng cường giám sát hành vi quảng cáo phóng đại, sai sự thật. Đề thi đại học chính thức thường có những câu hỏi hóc búa đã khiến phụ huynh và học sinh Hàn Quốc phải tìm đến các cơ sở học thêm, do tư nhân điều hành để được giải đáp với mong muốn khi thi sẽ đạt nguyện vọng.