Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường dược phẩm, nhưng mỗi năm ở Việt Nam cũng có hàng chục lô thuốc kém chất lượng, giả mạo bị phát hiện và đình chỉ lưu hành, trong đó có không ít loại thuốc kháng sinh và đặc trị bị làm giả tinh vi.
Tang vật một vụ sản xuất thuốc giả bị cơ quan chức năng triệt phá
Hiểm họa khôn lường
Vừa trải qua gần một tuần cấp cứu và điều trị do dùng phải thuốc kém chất lượng, chị Lê Thị Minh mệt mỏi chia sẻ: Tôi bị viêm phế quản cấp, sau khi đi khám được bác sĩ kê đơn cho thuốc kháng sinh Amoxilin. Có đơn thuốc của bác sĩ, tôi đã đi mua thuốc tại một hiệu thuốc khá lớn ở phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ai ngờ sau hơn một ngày uống thuốc, bệnh chẳng đỡ mà người còn bị dị ứng, nổi mề đay và khó thở khiến người nhà phải đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ điều trị cho biết, tôi đã uống phải thuốc không bảo đảm chất lượng, có độc tố nên đã bị phản ứng thuốc.
Trong khi đó, bác Trần Hưng (67 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: Cháu tôi suýt chết vì uống phải thuốc giả. Thằng bé chỉ bị cảm cúm thông thường mà khi mua thuốc uống thì thằng bé “miệng nôn trôn tháo”, kêu khóc vì đau bụng quằn quại. Khi được đưa tới BV cấp cứu, bác sĩ cho biết do uống phải thuốc giả mà cháu bé đã bị chảy máu dạ dày.
Theo một số bác sĩ của Trung tâm Chống độc, mặc dù số trường hợp ngộ độc, dị ứng thuốc do dùng phải thuốc kém chất lượng không phải quá phổ biến nhưng khi người bệnh uống phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, cơ thể hay gặp phải tình trạng dị ứng, phản ứng thuốc như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy - các biểu hiện của tác dụng phụ phổ biến. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng của cơ thể, thậm chí có thể gây sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Đáng lo hơn, thuốc giả, kém chất lượng rất đa dạng chủng loại từ kháng sinh, thuốc đặc trị, thuốc bổ vitamin cho tới các thuốc có nguồn gốc từ đông dược, thậm chí là cả thực phẩm chức năng.
PGS-TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội cho biết, thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thậm chí gây tử vong. Tệ hơn, ngay cả khi chất lượng của thuốc giả mạo có lượng hoạt chất tương đương với sản phẩm chính hãng thì thuốc giả vẫn rất nguy hiểm vì nó không có bất kỳ sự đảm bảo nào về các điều kiện sản xuất. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong giới hạn từ 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lên tới 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Tinh vi, khó phát hiện
Mặc dù thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thị trường dược phẩm nhưng ảnh hưởng của nó tới sức khỏe, tính mạng người bệnh lại vô cùng nguy hại. Theo Cục Quản lý dược, do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc nên tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả hiện còn dưới 0,1% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%.
Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh gặp phải thuốc kém chất lượng
Trong khi đó, hàng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy từ 30.000 - 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng thuốc. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành không ít các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Chỉ riêng trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Cục Quản lý dược đã có văn bản thu hồi hơn 30 lô thuốc không bảo đảm chất lượng, cũng như phát hiện ra một số loại thuốc giả như: thuốc Prednisolon 5mg lọ 500 viên nén viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gút cấp, viêm khớp vảy nến, viêm loét đại tràng và viêm da.
Tuy nhiên, số liệu trên vẫn chưa phản ánh hết tình trạng thuốc kém chất lượng trên thị trường hiện nay. Nhiều chuyên gia dược phẩm cho biết, kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu ngày càng nhiều và ngày càng được làm giả tinh vi, khó phát hiện được bằng mắt thường. Thậm chí có những loại thuốc thật nhưng khi gần hết hạn sử dụng được xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới, khiến cơ quan chức năng và người bệnh rất khó phát hiện.
Cùng với đó, có những nguồn thuốc giả có thể chứa đúng thành phần hoạt chất như thuốc thật nhưng lại sản xuất trái phép tại một số cơ sở sản xuất nước ngoài. Còn có nguồn thuốc giả không chứa hoạt chất mà chỉ chứa tinh bột hay các thành phần thảo dược hoặc các chất hóa học có thể gây độc cho cơ thể.
Đáng lo ngại hơn, với công nghệ hiện đại như hiện nay, hầu hết các loại thuốc đều có nguy cơ bị làm giả với hình dạng, bao bì, nhãn mác giống như thuốc thật. Trong đó rất nhiều loại thuốc đặc trị, kháng sinh đã bị làm giả như: thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, ung thư, ức chế virus, thần kinh, hỗ trợ sinh lý.
Để ngăn chặn được tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hiện nay, Cục Quản lý dược và các cơ quan chức năng đang thực hiện việc kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, cũng như đẩy mạnh việc lấy mẫu và hậu kiểm thuốc sau khi đăng ký lưu hành. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, để tránh việc bị “tiền mất, tật mang”, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nên đến các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng, mua thuốc bán trên mạng. Khi mua thuốc cần quan sát kỹ bao bì, hạn sử dụng. Khi sử dụng thuốc, nếu có sự nghi ngờ về tác dụng, hiệu quả nên dừng ngay và nhờ các dược sĩ, bác sĩ tư vấn.