Một đồng nghiệp của tôi kể rằng, họ không biết giấu mặt vào đâu khi đang đi cùng với một người bạn ngoại quốc trên đường thì bỗng một con chuột chết “bay” qua trước mặt và rơi bịch xuống đường, khi họ chưa kịp định thần thì dòng xe qua lại đã cán nát con chuột.
Người bạn ngoại quốc kia cực sốc khi nhìn thấy xác chuột nát bét, xe đi lại cán qua và mang vi trùng (nếu có trên con chuột) đi khắp nơi, rồi thốt lên rằng “Sao lại có thể mất vệ sinh đến thế?!”. “Giá như có cái mo, tôi sẽ úp ngay lên mặt”, đồng nghiệp tôi kể lại. Tôi quá mắc cỡ vì chẳng có lời nào giải thích được cho hành vi này.
Vứt chuột chết hay rác thải ra đường là đưa vật có khả năng gây ô nhiễm ra cộng đồng… Không hiểu được điều đó, rõ ràng chỉ có một câu trả lời “ý thức tôn trọng cộng đồng kém, nhận thức về vệ sinh môi trường kém”.
Ông bà ta rất coi trọng công tác vệ sinh, “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” vừa là sự tổng kết vừa là lời nhắn dạy việc giữ gìn vệ sinh ở nơi ăn, chốn ở. Trong hiện tại, ngành chức năng không những tuyên truyền mà còn tạo nhiều điều kiện cho người dân vứt rác đúng nơi quy định, như lắp đặt nhiều thùng rác ở các nơi công cộng.
Vậy vì sao bây giờ lại có không ít người có hành vi xấu xí là vứt rác bừa bãi. Chỉ có một câu trả lời, là ý thức kém. Trị được căn bệnh này cũng chỉ có một giải pháp, đó là phạt thật nghiêm. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, chính xử phạt nghiêm đã giúp họ ngăn chặn được hành vi vứt rác bừa bãi.
Trong nội hàm của 4 chữ “phát triển bền vững” luôn có yêu cầu phải bảo vệ môi trường. Như vậy, để TPHCM phát triển bền vững, không thể không tiến hành ngay các biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó phải ngăn chặn hành vi vứt rác không đúng nơi quy định.