Năm nay, có 3 ứng cử viên chính thức tranh cử, gồm cựu Bộ trưởng cấp cao Tharman Shanmugaratnam (66 tuổi), cựu Giám đốc Đầu tư của Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) Ng Kok Song (75 tuổi) và cựu Giám đốc Công ty Bảo hiểm NTUC Income Tan Kin Lian (75 tuổi).
Trong đó, ông Tan Kin Lian là người duy nhất quay lại tranh cử lần thứ 2, sau lần tranh cử tổng thống năm 2011, khi cựu Phó Thủ tướng Tony Tan giành chiến thắng sít sao trong cuộc đua giữa 4 ứng cử viên.
Tổng thống Singapore có nhiệm kỳ 6 năm và được bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu bởi các công dân từ 21 tuổi trở lên. Cuộc bầu cử này là cuộc tranh cử thứ 3 như vậy từ khi chế độ tổng thống dân cử được giới thiệu vào năm 1991, với cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1993 và lần thứ 2 vào năm 2011.
Bên cạnh những vấn đề nổi bật như chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, vấn đề nhà ở và việc làm… một loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao của đảng Hành động nhân dân cầm quyền (PAP) làm rung chuyển nền chính trị vốn thường trầm lắng của đất nước gần đây cũng là mối quan tâm lớn.
Mặc dù ở Singapore tổng thống đóng vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ, không có quyền hạn chính thức trong việc xây dựng chính sách của chính phủ nhưng tổng thống cũng có quyền giám sát việc sử dụng nguồn dự trữ tài chính tích lũy của đất nước và bổ nhiệm các quan chức cấp cao. Trong bối cảnh này, cuộc bầu cử năm nay có thể là thước đo tình cảm của công chúng, những giới hạn về vai trò của tổng thống và chức năng giám hộ của họ sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Tổng thống sắp tới có thể sẽ có những yêu cầu nghiêm ngặt đối với vị trí chính thức giám sát và nắm quyền phủ quyết một số biện pháp nhất định, cũng như phê duyệt các cuộc điều tra chống tham nhũng. Các đường lối chính trị này đã được các ứng cử viên thể hiện rõ ràng trong chiến dịch vận động trước cuộc bầu cử.
Theo giới quan sát, cuộc bỏ phiếu lần này cũng có thể cho thấy mức độ ủng hộ PAP trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2025.