1. Trường Sơn thực sự bước vào thời kỳ “biết tự làm dáng”. Nhớ mãi màu vàng ấm áp, gợi nhớ màu rơm rạ ở quê nhà của những mái lán lợp lá trung quân. Suốt ngày làm bạn với màu xanh bạt ngàn của rừng cây, vách núi… Xế chiều về tới trạm nhìn thấy màu rộm vàng, nghe thấy tiếng gà cục tác, tiếng heo rúc máng, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, thênh thang hơn.
Nơi nào không kiếm nổi lá trung quân thì vào rừng kiếm bương, luồng chẻ đôi, xếp khúc ngửa làm ngói. Ngày mưa, nước từ mái ngói bương, luồng đổ xuống trong vắt. Lá sả, bồ kết ở rừng tìm đâu chẳng ra. Lính tráng kháo nhau, thỉnh thoảng đem cho chị em một nồi nước lá nấu bằng thứ nước mưa ấy để gội đầu…
Đường xuống suối cũng bắc lan can tre nứa để chị em vịn tay, nơi rửa mặt đánh răng cũng lát thêm tấm nứa đan. Cái bàn, cái ghế được thưng mây. Những cậu khéo tay còn đóng được cả tủ để đầu giường tặng chị em làm nơi đặt gương, lược.
Chiều chiều, quân về nhập trạm, đi ngang qua bãi cứ ngỡ đi ngang qua nơi tiên giáng trần. Đành phải lục tung ba lô có thứ gì quý mang ra đổi hết, để trao vào tay chị em tấm bọc võng màu tím, màu hồng đào, màu thiên lý…
Đấy là những gì chỉ được nghe kể lại thôi. Cánh lính đi vào chúng tôi ào ào cuốn qua mỗi ngày mỗi trạm, lần hồi cũng phải tìm ra cách tỏ tình với chị em theo kiểu của mình. Vừa tới trạm, chưa kịp mắc võng nhưng phải đảo ngay một vòng để thông báo cho nhau hay trong trạm cả thảy là mấy em. Chỉ thoáng sau, những cha lém lỉnh nhất đã tìm ra “đồng hương”.
Không phải là người cùng làng, cùng xã, cùng huyện thì cùng tỉnh, cùng dân khu 3, khu 4 - thì đã chết ai? Ngồi với nhau một lát, lân la trò chuyện một lát, y như rằng tìm ra khối điều là sở thích chung. Thích môn toán hơn môn văn, thích giọng ca của Bích Liên, giọng ngâm thơ Linh Nhâm…
Một đồng đội thông minh láu lỉnh của tôi vào phút chia tay đã bảo người bạn gái nhắm mắt lại và xòe bàn tay ra. Cậu ta rút bút viết chữ gì đó và buộc cô gái hứa sống hứa chết, khi cậu ta rời xa trạm mới được xòe tay ra đọc.
Cậu ấy đã viết tên mình, tên cô gái trong lòng bàn tay nóng ấm kia, giữa hai cái tên, cậu ta đặt một dấu cộng, sau 2 cái tên đặt một dấu bằng, phép cộng ấy sẽ đưa đến con số tổng là 2 chữ “muôn năm”.
Cũng dễ đoán ra cô gái sẽ cười, sẽ khóc, sẽ khóc rồi sẽ cười, nhưng trong lòng mãi mãi vẫn là những cảm xúc thật đẹp.
2. Tôi khờ khạo, vụng về, chắc ông trời thương nên đã ban tặng cho tôi một kỷ niệm Trường Sơn để nhớ đời. Trời đổ mưa từ sáng sớm. Khi chúng tôi đến triền dốc cỏ gianh thì chân người lê theo bùn đất đi qua đã khiến những búi cỏ ngã rạp, láng ướt, bùn đỏ trở nên trơn nhầy.
Vừa lúc ấy, có một đoàn các cô gái từ chiến trường ra đang ngược dốc đi lên. Những bộ bà ba đen may bằng vải tốt, bó chặt lấy những bờ vai thon thả, những tấm lưng eo, những chiếc nón tai bèo ướt sũng...
Người vượt dốc, người đổ dốc ồn ã tiếng cười, lời thăm hỏi nhau. Tôi cứ ngắm nhìn các em như thế, bỗng trượt chân ngã nhoài.
Như một bản năng, tôi quờ tay sang bên để bấu víu và tôi đã kéo em lăn xuống dốc theo mình. Tiếng cười càng rộ lên to hơn, lây lan hơn. Tôi đỡ em đứng lên, cả hai cùng bật cười. Dù em lấm lem bùn đất, tôi vẫn nhận ra một đôi mắt to tròn ánh lên vẻ cương nghị, một cặp môi mỏng, mềm mại, khi cười lấp lánh hàm răng trắng đều tăm tắp.
Không lời xin lỗi, cũng không câu cảm ơn, tôi buột miệng nói ra một câu có lẽ là vô duyên nhất đời:
- Đồng chí ơi, xin hỏi thăm, chiến trường trong ấy có ác liệt không?
Em ngước nhìn tôi vẫn với đôi mắt ấy, miệng tủm tỉm. Vài giây trôi đi, vẻ mặt em đột nhiên trở nên thoáng buồn:
- Biết nói với anh thế nào đây? Nếu bây giờ anh bảo em trở vào cùng anh, em đi tức thì à!
Tôi đứng như trời trồng, lòng dạ lâng lâng, bồng bềnh một cảm giác rất lạ, chưa xảy đến bao giờ, mắt níu bóng dáng em đang nhỏ dần, nhỏ dần sau màn mưa phía lưng chừng dốc…
Từ sau tháng 4-1975 đến nay, tôi đã đi khắp dải đất miền Trung, đã qua nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Không thổ lộ với ai, tôi vẫn âm thầm, nhẫn nại đi tìm ánh mắt, nụ cười ấy.
Tôi không bao giờ tìm ra em nữa và chợt hiểu rằng, nụ cười ấy, ánh mắt ấy đã vĩnh viễn thuộc về Trường Sơn một thuở.