Khán giả không chỉ bị cuốn hút bởi thực cảnh nên thơ với lũy tre, bến nước, sân đình của làng quê Bắc bộ mà còn bị cuốn theo những lát cắt trong trẻo, bình yên của người dân quê hiền lành, chất phác. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Việt Tú.
* PHÓNG VIÊN: Lấy cảm hứng từ các tích trò rối nước dân gian, Thuở ấy xứ Đoài được ví như một câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt ở làng quê Bắc bộ từ ngàn năm trước?
- ĐẠO DIỄN VIỆT TÚ: Đúng vậy. Ngày đầu tiên tới đây, toàn bộ khu vực sân khấu bấy giờ là một bãi hoang với hố đất sâu hoắm. Để có được sân khấu với 2.000 chỗ ngồi và sàn diễn 3.000m2 mặt nước, cùng rặng tre xanh rì, bến nước, sân đình là điều không dễ dàng.
Ý tưởng đầu tiên đến với tôi chính nhờ vùng đất đặc biệt này, nơi đây được coi là quê tổ của nghề rối nước. Cảm hứng đến với show diễn của tôi cũng bắt nguồn từ chính nghệ thuật truyền thống này. Song phải nhiều ngày sau đó, khi được gặp và trò chuyện với nghệ sĩ Chu Lượng, “chiếc chìa khóa” đưa tới những mắt xích cho câu chuyện mới được tìm thấy. Đó chính là việc mượn hồn rối nước để kể câu chuyện về cuộc sống con người, mượn những người nông dân để kể lại câu chuyện lịch sử về vùng đất Tổ của nghề rối nước, thông qua vở diễn thực cảnh lần đầu tiên tại Việt Nam.
Một cảnh trong Thuở ấy xứ Đoài
Khán giả bước vào cuộc rong chơi đúng nghĩa về thôn quê, để hòa mình vào cuộc sống thanh bình của những người dân nơi đây qua các sinh hoạt đời thường. Trẻ con thì bơi, người lớn thì chăn vịt, cày cấy, đánh cá, kèm theo đó là một đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Từ khi có ý tưởng tới lúc vở diễn thành hình hài, chúng tôi và hơn 140 nghệ sĩ xuất thân từ chính những nông dân bản xứ đã phải lao động không ngừng nghỉ suốt 12 tháng.
* Thử thách lớn nhất anh phải đối mặt trong tác phẩm này là gì?
- Lên được ý tưởng kịch bản đã khó nhưng thử thách lớn hơn cả là làm sao đưa được những nông dân thuần chất ấy đến với nghệ thuật. Khó khăn nhất là vận động các cụ lớn tuổi tham gia chương trình. Phải trao đổi, chăm sóc, vận động… 140 người cho 140 cảnh đời. Khi chúng tôi tập được nửa chặng đường thì có tới 40% “nghệ sĩ nông dân” bỏ cuộc, với đủ lý do.
Mỗi lần như thế, chúng tôi lại bắt đầu công việc tìm kiếm và bắt đầu lại từ số 0. Chúng tôi và ê kíp của mình phải thuê nhà ở khu Chùa Thầy để dành thời gian hiểu cũng như động viên những người nông dân.
* Lấy ý tưởng từ nghệ thuật dân gian thì Thuở ấy xứ Đoài không phải là chương trình đầu tiên, song đây là show diễn thực cảnh đầu tiên, việc này không đơn giản?
- Bản thân tôi đã được chiêm nghiệm và thỉnh giáo một người đã tham gia sản xuất các show diễn thực cảnh của đạo diễn Trương Nghệ Mưu khi ông ấy sang Việt Nam.
Chính nhà sản xuất ấy đã giúp tôi hoàn thiện rất nhiều trong chương trình đầu tiên của mình. Điều tôi học hỏi được ở những người thầy lớn đó là: “Hãy đãi khách bằng thứ mình có, chứ đừng nhọc lòng tìm thứ mà người ta cũng có”.
Tâm lý của người Việt hay cố tìm những cái mà người khác có. Điều đó không sai, nhưng nó không đúng với đối tượng khán giả, không chạm tới cảm xúc. Rõ ràng, nhằm tới khán giả toàn cầu thì lại phải sử dụng ngôn ngữ địa phương. Lấy ngôn ngữ địa phương làm căn cốt nhưng vẫn phải thỏa mãn tính ngôn ngữ toàn cầu.
* Không chỉ gây ấn tượng với những hoạt cảnh đồng quê chân chất, khán giả còn đắm chìm trong những âm thanh chân thực như chính cuộc sống bình dị ở nơi đây…
- Show này âm nhạc quyện vào nhau, nhưng thực ra đó là hai dòng nhạc riêng biệt, một là world music, một là thuần dân tộc. Để có được những âm thanh trung thực từ cuộc sống với tiếng gà, vịt gặp đàn, tiếng côn trùng ra rả những đêm hè… cả nhóm đã bỏ biết bao công sức thực địa. Nhiều đêm cả ê kíp say sưa rúc trong bờ ruộng để thu tiếng côn trùng, bỗng một người chạy xe máy đến bấm còi inh ỏi. Chúng tôi đành thu lại từ đầu. Cứ như vậy ròng rã, bền bỉ thực hiện từng chút, từng chút một.
* Là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc đưa nghệ thuật đương đại vào trong các show diễn sân khấu giải trí và giờ đây anh lại tiếp tục khởi đầu cho một loại hình nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam còn rất mới mẻ. Kế hoạch sắp tới của anh là gì?
- Hy vọng đây là hướng đi của tôi trong nhiều năm tới chứ không chỉ dừng lại ở chương trình này. Văn hóa Việt Nam rất đẹp và tôi ao ước đến ngày nào đó, có khách nước ngoài đến Việt Nam với mong muốn được thưởng thức show của mình, đó mới thực sự thành công. Với tôi, Thuở ấy xứ Đoài chỉ là sự khởi đầu.