Thung lũng Swat - Một thiên đường đã mất

Thung lũng Swat - Một thiên đường đã mất

Thung lũng Swat nổi tiếng là thiên đường của châu Á, làm say lòng biết bao du khách nhưng giờ đây bị tàn phá, người dân sống trong nơm nớp lo sợ bom, đạn và sự trả thù tàn khốc của những kẻ khủng bố. Mới đây ngày 1-6, hơn 400 học sinh, giáo viên cùng người thân đã bị Taliban bắt cóc.

        Từ một “Thụy Sĩ” ở châu Á...

Cuộc sống yên bình ở thung lũng Swat đã không còn.

Cuộc sống yên bình ở thung lũng Swat đã không còn.

Thung lũng Swat đã từng được xem là một thiên đường của Pakistan, một Thụy Sĩ ở châu Á. Nằm ở phía Tây Bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad khoảng 160 km, giáp với Ấn Độ và Afghanistan. Thung lũng Swat rộng khoảng 4.000km², độ cao của vùng khác nhau khoảng từ 750m đến 2.250m so với mực nước biển. Thủ đô của Swat là Saidu Sharif nhưng thị trấn trung tâm là Mingora.

Thung lũng Swat có một vẻ đẹp hoang sơ, bình yên với những ngọn núi mùa đông tuyết phủ trắng cả đỉnh, mùa hè nắng trải dài bất tận trên những cánh đồng cỏ xanh và những hồ nước trong veo, đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn, trượt tuyết và tắm nắng.

Sức hấp dẫn Swat không chỉ bởi vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng mà còn bởi lịch sử, văn hóa và cả người dân thân thiện hiền lành, sống chủ yếu với nghề trồng trọt, chăn nuôi. Người dân Swat nổi tiếng vì sự khéo léo trong điêu khắc và thêu thùa. Có khoảng 1,25 triệu dân sống thành những bộ lạc.

        ... đến sống trong sợ hãi

Từng là điểm đến lý tưởng của khách thập phương nhưng Swat giờ đây lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Pakistan và khách du lịch. Thung lũng Swat với địa hình hiểm trở và những vách núi cheo leo nên đã trở thành cứ điểm của quân Taliban. Các phần tử Hồi giáo cực đoan được lãnh đạo bởi Maulana Soofi Mohammed, thủ lĩnh của nhóm Tehrike-e-Nifaz-Sharif Mohammadi. Với khoảng 2.000 quân, Taliban đã dùng thung lũng này như một bàn đạp để từ đó thâm nhập vào lãnh thổ Pakistan.

Người dân ở thung lũng này sống trong sợ hãi và kinh hoàng bởi những hình phạt tàn khốc của Taliban như chặt đầu những người chống đối; bắt phụ nữ trùm đầu, che mặt; bắt cóc, nổ bom, đốt cháy trường học và cấm học sinh đến trường, nhất là những bé gái. Ước tính có khoảng hơn 170 trường học do chính phủ xây dựng đã bị Taliban phá hủy và chúng bắt những chủ đất, chủ hiệu nộp thuế thu nhập. Chúng cũng thành lập nên một chính quyền riêng với luật Shariah hà khắc làm nền tảng, có cả tòa án, cơ quan an ninh và cơ quan thuế.

Cảnh sát và các quan chức chính phủ ở thung lũng Swat luôn là mục tiêu của Taliban. Tháng1-2007, Malak Baikht Baidar, phó chủ tịch đảng Awami National, là một doanh nhân nổi tiếng, đã bị bắt cóc ngay tại nhà và bị giết chết bởi những người che mặt mang vũ khí. Baikht Baidar là một dòng họ quý tộc, một chính trị gia được tôn trọng và có tư tưởng tiến bộ ở Swat.

Tiếp đó, bọn khủng bố cũng đã bắt cóc Giáo sư Israr Muhammad, trường đại học Swat Govt. Vì ông đã chống lại chúng và cố gắng chứng minh những tội ác của bọn khủng bố cho người dân thấy. Hai con trai ông cũng chống lại Taliban, vì thế ngày 12-8-2008, bọn khủng bố cũng bắt cóc luôn hai người. Vào ngày 24-1-2008, Zakir Khan một quan chức chính phủ và là một thành viên kỳ cựu của ANP, bị bọn khủng bố ám sát cùng với anh trai và những người bạn.

Ngày 23-8-2008, một vụ đánh bom xe tự sát vào một đồn cảnh sát ở Swat khiến 20 người bị thiệt mạng Tehrike-e-Nifaz-Sharif Mohammadi đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này. Ngày 3-2-2009, hàng ngàn quân Taliban đã bao vây một đồn cảnh sát ở thị trấn Mingora. Nhiều binh sĩ Pakistan đã cố gắng phá vỡ vòng vây nhưng bất lực và đành để cho Taliban bắt giữ các cảnh sát.

        Sự bất lực của chính phủ

Một đoạn băng video do Asiatimes thực hiện đã quay những thước phim hoang tàn đổ nát của thung lũng Swat. Người dân nơi đây vừa sợ hãi vừa tức giận khi họ là nạn nhân không chỉ của Taliban mà còn của cả những hoạt động quân sự của quân đội chính phủ. Trường học trống rỗng, đổ nát, những con đường bị bom phá hủy, nhà riêng bị quân đội chính phủ chiếm dụng làm boongke. Kết thúc đoạn băng là một hiệu thuốc mà trên tường lỗ chỗ những lỗ đen do đạn từ trên máy bay trực thăng của quân đội nã xuống.

Người dân Swat chạy nạn.

Người dân Swat chạy nạn.

Trên thực tế chính phủ Pakistan đã không thể kiểm soát được tình hình ở thung lũng Swat. Swat đã trở thành chiến trường khốc liệt giữa quân đội chính phủ và Taliban từ nhiều năm qua. Ngày 4-8-2008, quân đội Pakistan đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào thung lũng Swat, tiêu diệt 120 chiến binh Taliban. Mỹ cũng thực hiện các cuộc tấn công bằng không quân vào khu vực này nhằm tiêu diệt các thủ lĩnh Taliban. Song, tình hình vẫn không được cải thiện khi Taliban dựa vào ưu thế vùng núi cao hiểm trở của thung lũng.

Các chiến binh của Taliban ngày càng thách thức quân đội chính phủ, tỏ thái độ chống Mỹ và phương Tây đến cùng. Vì thế, Taliban không những nắm quyền kiểm soát toàn bộ thung lũng Swat mà còn gia tăng thế lực và hoạt động ra phạm vi cả nước. Ngày 16-2-2009, đại diện chính quyền Pakistan đã ký một thỏa thuận mới với Taliban về việc ngừng bắn và đồng ý cho áp dụng Luật Hồi giáo (Luật Shariah) ở một phần khu vực Tây Bắc Pakistan.

Tổng thống Asif Ali Zardari đã ký đạo luật áp đặt luật Hồi giáo (Shariah), coi là chế độ tư pháp duy nhất ở thung lũng Swat, khu vực mà phiến quân hoành hành. Đây là một phần trong thỏa thuận 17 điểm đã ký giữa Chính phủ Pakistan với lực lượng Taliban. Đổi lại sự nhượng bộ của Tổng thống Asif Ali Zardari là tuyên bố ngừng bắn vô thời hạn của Taliban, bắt đầu từ cuối tháng 2.

Tuy nhiên, trước nguy cơ Taliban được thế mở rộng vùng kiểm soát và với sự phản đối của Mỹ, chính phủ Pakistan đã buộc phải có hành động. Tháng 5-2009, một chiến dịch quân sự tổng lực nhằm tiêu diệt 5.000 quân Taliban trong thung lũng với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, pháo hạng nặng và 15.000 quân chính phủ, đã được tiến hành. Tính từ cuối tháng 4 đến nay đã có hơn 1.200 quân Taliban trong thung lũng Swat bị tiêu diệt.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay cho rằng những vụ tấn công khủng bố trên khắp cả nước Pakistan đã khiến nước này trở thành “quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới” và cùng với đó là Swat một thiên đường đã mất.

Hàng nghìn người dân phải di tản khỏi vùng chiến sự ác liệt. Có khoảng 800.000 người đã rời bỏ thung lũng Swat nhưng đến nay vẫn còn khoảng 700.000 người dân bị kẹt lại. Nước, điện và các đường dây thông tin liên lạc ở Swat bị cắt đứt hoàn toàn, người dân hiện đang trong tình trạng nguy hiểm bởi nguồn lương thực và nước uống cung cấp ngày một cạn dần.

NGUYÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục