Giới kinh doanh Mỹ, đặc biệt là giới công nghệ, đã theo dõi rất sát sự việc kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ khiến Saudi Arabia nếm trải “hậu quả rất lớn” như đã cam kết. Vụ việc gây căng thẳng quan hệ ngoại giao 2 nước đã khiến giới công nghệ ở thung lũng Silicon rơi vào thế khó. Trước khi vụ việc xảy ra, nhiều hãng công nghệ Mỹ rất trông chờ vào cơ hội tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ Saudi Arabia, khi nước này mạnh tay đổ tiền vào công nghệ để đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.
Trong vài năm gần đây, khoản vốn khổng lồ từ một số quỹ đầu tư của Saudi Arabia đổ vào thung lũng Silicon đã đưa quốc gia này trở thành nhà đầu tư quan trọng ở nơi ươm mầm các tài năng công nghệ mới. Điều này cho thấy giới công nghệ Mỹ đang phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ Saudi Arabia. Không chỉ đầu tư trực tiếp, Saudi Arabia còn có ảnh hưởng lớn khi là cổ đông chính của Vision Fund, quỹ công nghệ 100 tỷ USD do Softbank quản lý, đơn vị đầu tư cho Uber và một loạt start up công nghệ khác trên thế giới. Không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn, Saudi Arabia còn là mảnh đất hấp dẫn cho giới công nghệ Mỹ. Ở chuyến thăm Mỹ vào tháng 3 vừa qua, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã ghé thăm nhiều hãng công nghệ hàng đầu. Tâm điểm của các cuộc gặp này là bàn bạc về sự hợp tác trong tương lai giữa cường quốc dầu mỏ và các công ty vốn hóa lớn nhất thế giới. Apple và Amazon được cho là đang bàn bạc về việc mở rộng sang Saudi, bằng việc ra mắt Apple Store và Amazon Web Services (AWS) tại đây. Amazon đã đăng tuyển vị trí Giám đốc chính sách công cho dịch vụ AWS tại Saudi Arabia để đưa Amazon trở thành hãng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu Saudi Arabia. Alphabet - công ty mẹ của Google cũng được cho là đang nói chuyện với đại gia dầu mỏ Aramco để xây trung tâm dữ liệu quanh Saudi Arabia. Từ tháng 4 năm nay, Google đã xác nhận sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây để hỗ trợ Saudi Arabia.
Trước sức ép của dư luận và đồng minh Mỹ, Saudi Arabia đã phản ứng bằng thái độ rất cứng rắn. Tuyên bố từ cơ quan thông tấn nhà nước Saudi Arabia nhấn mạnh rằng: “Nếu Saudi Arabia bị trừng phạt như thế nào, chắc chắn Saudi Arabia sẽ đáp trả lại mạnh mẽ hơn nhiều lần”. Có ý kiến cho rằng, với một tầm ảnh hưởng lớn như vậy, thung lũng Sillicon sẽ không mấy dễ dàng để thoát khỏi ảnh hưởng từ vụ bê bối xuất phát từ Saudi Arabia. Nếu quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia xuống dốc, hoạt động của giới công nghệ trong thung lũng Silicon sẽ phần nào bị tác động vì mối quan hệ lợi ích đang ràng buộc lẫn nhau.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Robert Mason, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Mỹ ở Cairo, cho rằng rất khó để Tổng thống Donald Trump - nhà lãnh đạo đặt lợi ích phát triển kinh tế lên hàng đầu thay đổi chính sách hàng thập kỷ của Mỹ là ủng hộ quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Saudi Arabia, trong đó có hợp tác chống khủng bố và kiềm chế Iran. Do đó, sự việc nhiều khả năng sẽ không dẫn đến các biện pháp trừng phạt như rút đầu tư hay tẩy chay chính trị.