Hệ quả tất yếu
Thung lũng Silicon nổi tiếng với nhiều bộ óc thiên tài, những người sáng lập doanh nghiệp với tầm nhìn xa. Họ có thể nhìn ra những xu hướng lớn trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Tuy nhiên, làn sóng sa thải ồ ạt tại cái nôi công nghệ Mỹ đã buộc giới chuyên gia phải đặt câu hỏi phải chăng Thung lũng Silicon đã qua kỷ nguyên vàng?
Mới nhất là sự kiện hãng sản xuất máy tính Hewlett Packard (HP) thông báo cắt giảm khoảng 6.000 việc làm trong 3 năm tới. HP hiện có khoảng 61.000 nhân viên và kế hoạch cắt giảm việc làm được thực hiện để có thể tiết kiệm 1,4 tỷ USD chi phí hàng năm cho đến năm 2025, tương tự các hãng công nghệ Meta, Amazon và Twitter.
Trong quý cuối cùng của tài khóa 2022, doanh thu của HP đã giảm 11,2%, còn 14,8 tỷ USD. Trước đó, Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động hiện có. Con số tương tự với Twitter là 50%. Amazon cũng vừa tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên. Sau Twitter, Meta và Amazon, công ty mẹ của Google là Alphabet được cho là đang lên kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên làm việc kém hiệu quả.
Theo một báo cáo mới, công ty có kế hoạch loại bỏ gần 6% lực lượng lao động của mình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, có kế hoạch đánh giá hiệu suất của nhân viên thông qua chương trình cải thiện hiệu suất và xếp hạng mới.
Những vụ sa thải hàng loạt đang diễn ra ở Thung lũng Silicon càng củng cố dự đoán của giới quan sát rằng kỷ nguyên huy hoàng kéo dài hơn một thập niên của Big Tech đang đến hồi kết. Giới lãnh đạo công ty đổ lỗi cho nhiều yếu tố có liên quan: tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch, hoạt động thương mại điện tử chậm lại và mọi người dành ít thời gian trực tuyến hơn khi các sự kiện trực tiếp hoạt động bình thường trở lại.
Dù Thung lũng Silicon đã có nhiều đợt sa thải những năm qua, nhưng làn sóng sa thải mới nhất năm 2022 ảnh hưởng mạnh đến mọi nhân viên trong ngành, từ kỹ sư cho đến lập trình viên, những người vốn có công việc tương đối ổn định.
Vào đầu năm 2020, ngành công nghệ dường như là bất khả chiến bại. Các công ty công nghệ phát triển mạnh hơn trong thời kỳ đại dịch, trong khi các bộ phận khác của nền kinh tế vẫn chưa phát triển. Người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu trực tuyến. Thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất gần bằng 0, giúp các công ty công nghệ tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo Washington Post, làn sóng sa thải ập đến chỉ một năm sau khi tăng trưởng ở Thung lũng Silicon đạt đỉnh, định giá các công ty Big Tech lần lượt chạm mốc tỷ USD, mức lương cho nhân sự công nghệ vọt lên cao nhất mọi thời đại và trào lưu tiền mã hóa giúp một bộ phận nhà đầu tư bỏ túi món hời khủng.
Bên cạnh đó, việc FED mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát khiến những nhà đầu tư mạo hiểm phải khắt khe hơn với khoản đầu tư của mình và buộc ban điều hành công ty tập trung vào lợi nhuận thay vì tăng trưởng. Sa thải để tinh giản bộ máy diễn ra như một hệ quả tất yếu.
Chưa phải dấu chấm hết
Thung lũng Silicon còn đối mặt với mức định giá thấp kỷ lục của các công ty tiềm năng. Sự kiện công ty chia sẻ văn phòng WeWork, một trong những startup giá trị nhất nước Mỹ, có mức định giá lao dốc từ 47 tỷ USD xuống còn vài tỷ USD kéo theo tốc độ tăng trưởng của các Big Tech chậm lại. Tình trạng cắt giảm nhân sự, giám đốc từ chức và thắt lưng buộc bụng đã khiến các kỳ lân công nghệ đi xuống.
Theo công ty phân tích CB Insights, chỉ 25 công ty tại Mỹ được các nhà đầu tư định giá trên 1 tỷ USD quý 3-2022, trong khi một năm trước con số này cao gấp 5 lần. Một số công ty còn đang chuẩn bị tinh thần để chuyển sang chế độ tồn tại. Sự sụt giảm này chính là đòn cảnh tỉnh cho thị trtường đầu tư vào startup công nghệ.
Các ông lớn cũng dần chuyển trụ sở khỏi Thung lũng Silicon sau hàng thập niên “đóng đô” tại đây. Sau đại dịch Covid-19, các tập đoàn mở rộng sang vùng Bay Area ở bang California. Công ty xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã chuyển trụ sở của mình sang Austin, bang Texas từ năm 2021.
Những diễn biến trên, cùng với quy định siết chặt giới công nghệ và lời tố cáo Facebook gây chấn động của Frances Haugen trước Quốc hội Mỹ về tình trạng độc hại tồn tại trên nền tảng này, đã làm hình ảnh các công ty trong Thung lũng Silicon ít nhiều bị lung lay.
Nhận thức của công chúng về công nghệ cũng dần thay đổi, 68% người Mỹ cho rằng các công ty công nghệ đang sở hữu quá nhiều quyền lực, tăng so với mức 51% năm 2018. Như vậy, theo Business Insider, cái giá phải trả cho sự tụt dốc của Thung lũng Silicon không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà còn ở những giá trị chung của xã hội.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, bất chấp những cản trở ngày càng lớn, Thung lũng Silicon vẫn vững mạnh. Nó từng trải qua hàng loạt đợt suy thoái, điển hình là năm 2001, 2008 và đã hồi phục mạnh mẽ.
Theo ông Nicholas Bloom, Giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford của Mỹ, một số công ty có thể chuyển đi vì chính sách làm việc tại nhà và toàn cầu hóa, nhưng Thung lũng Silicon vẫn là tâm điểm khó có nơi nào thay thế. Trong tương lai gần, sẽ không có sự chuyển dịch lớn với vai trò và vị trí địa lý của Thung lũng Silicon. Ông Nicholas Bloom cho rằng đây có thể là kết thúc của một giai đoạn hưng thịnh, nhưng khó lòng coi đó là dấu chấm hết của Thung lũng Silicon.