Thuế quan Hoa Kỳ và ứng phó của TPHCM

90 ngày là thời gian để các bên đàm phán trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Mỗi quốc gia, chủ thể đang có những bước chuẩn bị tích cực, cả trên bàn đàm phán lẫn cả chuẩn bị các chương trình phục vụ nội địa khác nhau.

Là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, năm 2024, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt gần 120 tỷ USD, tăng 23,18% so với năm trước. Cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam khi xuất khẩu gấp 8 lần nhập khẩu (120 tỷ USD so với 15 tỷ USD). Trong đó, TPHCM là địa phương có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ, duy trì mức xuất khẩu cao trong giai đoạn 2020-2024.

Năm 2024, xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm. Cán cân thương mại luôn dương và tỷ lệ thặng dư cao giúp TPHCM giữ vững vai trò đầu tàu xuất khẩu của cả nước trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Trên bình diện quốc gia lẫn thành phố, xuất khẩu tập trung vào các ngành chủ lực như điện tử, dệt may, đồ gỗ, nông sản; trong khi nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện phục vụ sản xuất. Trong trường hợp nếu thuế đối ứng 46% được áp dụng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng chủ lực của TPHCM vào thị trường Hoa Kỳ; trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại có mức thuế thấp hơn đáng kể như Ấn Độ (26%); Thái Lan (37%)… dẫn tới dòng đầu tư dịch chuyển sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn.

Kế đến là ảnh hưởng tiêu cực việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chi phí xuất khẩu gia tăng sẽ làm các doanh nghiệp FDI có xu hướng tìm kiếm các quốc gia có mối quan hệ thương mại ổn định hơn với Hoa Kỳ.

Về dài hạn, dòng vốn FDI dịch chuyển vào lĩnh vực sản xuất sẽ có nguy cơ chững lại. Tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với nước này. Bằng chứng sau quyết định áp thuế đối ứng, tỷ giá USD/VND đã vượt 26.000 đồng/USD, mức cao nhất lịch sử.

Việt Nam đã cho thấy sự chủ động, nhanh nhạy thông qua nhiều hình thức ứng phó với thuế đối ứng của Hoa Kỳ cả đối ngoại lẫn đối nội. Các kịch bản tăng trưởng được thiết lập với 3 mức độ tương ứng với thuế suất có thể đàm phán để giảm sâu, giảm tương đối và giữ nguyên. Theo đó, các giải pháp cụ thể cũng đã được kích hoạt và hướng tới cam kết thực thi mạnh mẽ.

Trước hết, trong giải pháp xuất khẩu, tiến hành đàm phán để thống nhất được “gói giải pháp song phương” nhằm đưa mức thuế trung bình sau đàm phán kỳ vọng thông qua các chính sách nhượng bộ hợp lý như giảm thuế nhập khẩu tối đa đối với hàng hóa từ Hoa Kỳ; ban hành chính sách nhằm khuyến khích tăng nhập khẩu nông sản Hoa Kỳ.

Đồng thời tăng cường kiểm soát “gian lận xuất xứ” mà trọng tâm là siết chặt hàng chuyển tải từ các nước thứ ba qua Việt Nam để minh bạch chuỗi giá trị, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ; nhập khẩu các mặt hàng công nghệ cao, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam; đa dạng hóa thị trường bằng việc tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các FTA Việt Nam đang thực thi; tăng xuất khẩu sang EU…

Về nhập khẩu, cần tiến hành giải quyết nhanh các rào cản liên quan đối với hàng hóa Hoa Kỳ; tăng cường các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở các quy định hiện hành; cải cách mạnh mẽ hệ thống tư pháp liên quan đến giải quyết những tranh chấp về sở hữu trí tuệ; xem xét lại các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, chuyển dữ liệu ra nước ngoài… Những nỗ lực không chỉ tập trung giải bài toán thuế quan Hoa Kỳ mà tận dụng nó để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là với những ngành mới phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghệ cao, chuyển đổi số…

Mặt khác tăng cường thu hút đầu tư tư nhân, FDI; hình thành các khu thương mại tự do theo chuyên đề ở các vùng kinh tế trọng điểm và các đặc khu với vai trò là trung tâm logistics, sản xuất, thương mại quốc tế và đổi mới sáng tạo. Quan trọng không kém là tập trung thúc đẩy tiêu dùng nội địa, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển.

Sau cùng, vẫn là việc chủ động đánh giá, dự báo việc làm, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi tập trung lao động trong các ngành bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan, kết nối cung - cầu lao động, đào tạo và tái bố trí việc làm đảm bảo ổn định thị trường lao động và an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục