Có thể nói, một trong những điểm hạn chế của các trường đại học của chúng ta, đặc biệt là những trường ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, mà cụ thể là cơ sở học tập. Nhiều trường dù đã ra đời vài chục năm hay mới thành lập vẫn phải đi thuê mướn các cơ sở để giảng dạy. Nhiều cơ sở chỉ có phòng học và hoàn toàn thiếu các không gian khác để trải nghiệm học tập, sinh hoạt cho người học.
Những hệ lụy từ việc học tập ở những cơ sở thuê mướn là điều có thể thấy rõ. Đó là gần như các trường thuê sẽ không đầu tư nhiều vào các phương tiện dạy và học, và nếu học những ngành mang tính thực hành về kỹ thuật thì đây là một thiệt thòi rất lớn cho người học, đương nhiên cũng ảnh hưởng không tốt đến chất lượng đào tạo. Hệ lụy kế tiếp là gây khó khăn cho người học.
Quả vậy, những cơ sở thuê mướn có thể bị bên cho thuê thu hồi lại hoặc bán cho người khác, hoặc thời hạn cho thuê không dài nên tính ổn định gần như rất thấp. Điều này dẫn tới những xáo trộn cho cả người học lẫn nhà trường, như phải chuyển nơi ở, di chuyển trang thiết bị, tốn kém chi phí và gián đoạn học tập, giảng dạy...
Một điều cũng thường thấy là có khá nhiều cơ sở thuê mướn tọa lạc ở những khu vực không phù hợp với môi trường sư phạm, chẳng hạn như ở gần những nơi sản xuất gây ra nhiều tiếng ồn hoặc cơ sở kinh doanh những ngành nghề như nhà hàng, quán nhậu - vốn không tương thích với môi trường giáo dục. Và một hệ lụy không thể không nói tới là sinh viên học ở những trường phải thuê mướn cơ sở thì gần như sẽ không có ký ức gì nhiều về ngôi trường nơi mình học.
Từ những hệ lụy nêu trên, ngay chính các nhà trường, cơ quan quản lý nên chăng cần phải nỗ lực, có chính sách ổn định cơ sở dạy và học để tạo thuận lợi cho người học, nâng cao chất lượng đào tạo.