Tranh cãi kéo dài
Tuyên bố trên của OECD tạm thời xua được nghi ngại của giới chức châu Âu khi cho rằng quá trình đàm phán áp thuế kỹ thuật số với Mỹ nhiều khả năng bị tạm dừng. Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Washington không còn muốn tham gia các cuộc đàm phán. OECD đã đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận cuối cùng trên toàn cầu vào cuối năm 2020 về thuế dịch vụ kỹ thuật số, nhưng nỗ lực này đang vấp phải sự phản đối của Mỹ và nhiều nước đang nhận được “miếng bánh” thuế lớn hơn nhờ thu hút các công ty công nghệ đến đặt trụ sở.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ có xu hướng lập trụ sở ở những quốc gia có thuế suất thấp như Ireland, Luxembourg để “né” thuế. Nhờ đó, dù trụ sở công ty ở một nơi khác, các doanh nghiệp này vẫn có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh như quảng cáo trực tuyến, bán dữ liệu của người dùng, thu lợi nhuận trên toàn thế giới, không giới hạn ở một quốc gia cụ thể. Theo tính toán của kênh truyền hình CNBC (Mỹ), trung bình các công ty kỹ thuật số chỉ phải trả 9,5% thuế thu nhập, còn các doanh nghiệp truyền thống phải trả đến 23,2%. Trong khi đó, số lượng các công ty công nghệ chỉ khoảng 10% nhưng lợi nhuận chiếm tới 80% toàn thế giới. Thuế dịch vụ kỹ thuật số áp dụng cho doanh nghiệp công nghệ thông tin toàn cầu có doanh thu từ các hoạt động kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số mà không cần địa điểm kinh doanh cố định. Khoản thuế này tách biệt với thuế doanh nghiệp, loại thuế áp với doanh thu liên quan đến dịch vụ kỹ thuật số phát sinh trong nước của công ty đó.
Lập luận của nhóm các nước muốn áp thuế cho rằng, thuế dịch vụ kỹ thuật số được đưa nhằm ngăn chặn những hành vi chuyển giao lợi nhuận của các doanh nghiệp trên, đồng thời đánh thuế thích hợp với các khoản lợi nhuận phát sinh tại quốc gia mà những hãng này đang kinh doanh. Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ, loại hình thuế công nghệ chỉ nhằm mục tiêu vào nước này, vốn là nơi sản sinh ra các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, điển hình là 5 “đại gia” Google, Amazon, Facebook, Apple, Microsoft, gọi tắt là GAFAM. Phía doanh nghiệp công nghệ cũng phản bác rằng, loại thuế mới trên thực tế là đánh thuế 2 lần, trùng với thuế doanh nghiệp các hãng đã phải đóng cho khoản doanh thu dịch vụ kỹ thuật số phát sinh tại nước mình.
Do tranh cãi kéo dài nên các cuộc đàm phán quốc tế được tiến hành nhằm tìm thỏa thuận trong kỷ nguyên công nghệ số được xem là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Thời hạn tiếp theo mà các nhà đàm phán OECD phải đối mặt là trong tháng 7. Dự kiến, khoảng 137 quốc gia sẽ tham gia cuộc họp tổ chức vào thời gian này để thống nhất các nội dung chính sách chủ chốt của thuế kỹ thuật số để tiến tới việc đạt thỏa thuận toàn cầu vào cuối năm nay. Nếu được các bên thông qua, đây sẽ là một thỏa thuận lớn đầu tiên trong một thế hệ giúp viết lại các quy định thuế quan xuyên biên giới.
Tiến trình đàm phán gồm 2 trụ cột, trụ cột thứ nhất là các cuộc đàm phán kể trên và trụ cột thứ 2 là các cuộc đàm phán để thống nhất về một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Trước đàm phán, OECD kêu gọi các bên tiến tới đạt một thỏa thuận cải cách luật thuế quốc tế có thể là một phần trong tháng 10 tới và toàn diện trong năm 2021 hoặc một phương án kết hợp cả hai định hướng. Việc Mỹ tôn trọng cam kết tham gia đàm phán là một điều kiện quan trọng giúp các bên đạt một thỏa thuận toàn cầu, vì nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới đến từ quốc gia này.
Theo OECD, cải cách thuế đang được thảo luận, thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng thêm 4% (tương đương 100 tỷ USD) mỗi năm. Với các nền kinh tế có mức thu nhập cao, trung bình hay thấp đều sẽ hưởng lợi tương đương nhau. Mục đích của cải cách là đảm bảo các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ phải nộp thuế tại những nơi mà họ có hoạt động bền vững và đáng kể, dù không có hiện diện cơ sở vật chất. Cho đến nay, chỉ có tập đoàn Facebook ủng hộ kế hoạch của OECD điều chỉnh cách đánh thuế các hãng công nghệ toàn cầu.
Lo ngại “vết dầu loang”
Vấn đề thuế áp dụng cho các doanh nghiệp công nghệ cũng là một trong những yếu tố chính làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu. Từ cuối năm 2018, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất đánh thuế nhằm vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu về 2 dự luật, dự luật về cách đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số và dự luật về cải cách cơ sở thuế của các dịch vụ kỹ thuật số. Tuy nhiên, cho đến nay, EU thất bại trong việc áp dụng hệ thống thuế kỹ thuật số chung, do sự phản đối của một số quốc gia như Ireland hay Luxembourg, nơi đặt trụ sở khu vực của nhiều hãng công nghệ lớn tại Mỹ. Trước khi OECD tìm kiếm một giải pháp quốc tế, nhiều nước đã đi trước khi công bố kế hoạch áp loại thuế này. Lý do là dù OECD đặt mục tiêu lập xong hướng dẫn vào cuối năm nay, nhưng mục tiêu này có vẻ rất xa vời. Ngoài ra, nếu đạt được thỏa thuận thì quá trình triển khai thực tế được cho là sẽ mất khoảng 4-5 năm.
Tại châu Âu, quốc gia đi đầu áp thuế dịch vụ kỹ thuật số là Pháp. Theo tính toán, nếu Pháp đánh thuế kỹ thuật số với tỷ lệ 3% doanh thu, nước này sẽ thu về khoản ngân sách dự kiến là 650 triệu EUR trong năm 2020. Sau Pháp, Anh cũng công bố dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu vượt quá 556 triệu EUR và có mức thu tối thiểu 25 triệu EUR từ các hoạt động thương mại tại Anh.
Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cân nhắc áp dụng cách đánh thuế mới này. Tại châu Mỹ Latinh, Chile, Mexico và một số nước khác cũng đang xem xét các dạng thuế mới tương tự nhằm vào các công ty công nghệ nước ngoài. Các nước này tìm cách đánh thuế vào các dịch vụ số hóa mà các công ty công nghệ nước ngoài bán tại nước của họ. Trong một số trường hợp, thuế đánh vào các dịch vụ thu thập dữ liệu về người dân địa phương để phục vụ hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Tuy chưa tìm được tiếng nói chung trong việc áp thuế kỹ thuật số, nhưng EU vẫn khẳng định, nếu toàn cầu không đạt thỏa thuận về thuế kỹ thuật số với các hãng công nghệ trong năm nay, tổ chức này sẽ xúc tiến một đề xuất mới ở cấp độ EU. Lý do khiến EU một lần nữa tạm gác bất đồng trong thuế kỹ thuật số được cho là xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 khiến dự án ngân sách châu Âu đang gặp nhiều trở ngại. Nếu áp thuế thành công, EU sẽ có thêm nguồn ngân sách mới, nhưng giới quan sát lo ngại đến việc liệu EU có thể đạt được sự đồng thuận về loại thuế này mà không cần đến Mỹ hay không.
Trong khi đó, phía Mỹ cũng có động thái đáp trả cứng rắn. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ điều tra các loại thuế kỹ thuật số nhằm trực tiếp vào các công ty công nghệ của Mỹ. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hiện đang xem xét các loại thuế tại Anh, EU cũng như Indonesia và Ấn Độ. Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Tổng thống Trump lo ngại rằng nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang áp đặt các khung thuế không công bằng đối với các công ty công nghệ của nước này. Hành động này cho thấy Mỹ đang lo ngại nếu không có biện pháp ngăn chặn, thuế kỹ thuật số sẽ như vết dầu loang. Mỹ lo ngại nếu không có biện pháp ngăn chặn, thuế kỹ thuật số sẽ như “vết dầu loang”.
Biện pháp này đã được áp dụng với Pháp. Để trả đũa, Mỹ đe dọa sẽ tăng thuế hải quan đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Pháp như pho mát, rượu vang, rượu sâm banh hoặc mỹ phẩm với trị giá tổng cộng 2,4 tỷ USD. Trước sức ép của Mỹ, Pháp đành phải xuống nước và tuyên bố “hưu chiến”. Pháp đồng ý hoãn đánh thuế đối với các đại gia Mỹ đến cuối năm 2020, bù lại Mỹ phải ngừng đe dọa đánh thuế hàng Pháp.