Mới đây, để đảm bảo cho chất lượng dịch vụ du lịch, chính quyền thành phố Saint Petersburg đề xuất áp dụng phí du lịch tại “thủ đô phương Bắc” của nước Nga và đã được phê chuẩn. Mức phí này sẽ là 100 ruble (1,6 USD)/ngày đêm và khách sạn sẽ thu phí từ khách du lịch nước ngoài cho mỗi ngày lưu trú.
Dự tính, ngân sách thành phố Saint Petersburg có thể sẽ tăng thêm 1 tỷ ruble (15,5 triệu USD) nhờ thu loại phí này. Toàn bộ khoản phí sẽ dùng cho mục đích hỗ trợ ngành du lịch của thành phố, đặc biệt là cải thiện cơ sở hạ tầng của nhiều địa điểm du lịch.
Trước đó, vào tháng 7-2017, Tổng thống Putin đã ký ban hành luật về thu phụ phí đối với việc sử dụng cơ sở hạ tầng nghỉ dưỡng ở các khu du lịch. Theo đó, chính quyền các khu vực có quyền tự thiết lập mức phí, nhưng không được vượt quá 100 ruble/ngày đêm. Kể từ tháng 5-2018, phí đã được áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực trên lãnh thổ Nga như Altai, Krasnodar và Stavropol.
Tương tự như Saint Petersburg, Venice - thành phố của các kênh đào, địa điểm du lịch luôn đón lượng khách du lịch đổ về hàng năm lên đến 30 triệu người, cũng sẽ áp dụng mức phí du lịch khoảng 3 EUR (3,3 USD)/người từ tháng 5 năm nay.
Chính quyền thành phố lý giải, phí du lịch này sử dụng cho mục đích bảo trì các tòa nhà công cộng ở trung tâm lịch sử Venice và chi trả cho phí an ninh, bao gồm việc triển khai sĩ quan cảnh sát địa phương làm nhiệm vụ cho các ngày cuối tuần và dịp lễ như đêm giao thừa và lễ hội carnival. Mức phí nêu trên chỉ áp dụng đến hết năm nay, tới năm 2020 tiền lệ phí sẽ tính theo mùa, thấp nhất là 5 EUR (5,6 USD) và cao nhất là 10 EUR (11,2 USD)/du khách.
Theo giới chuyên gia về du lịch, mức phí trên sẽ làm thành phố du lịch nổi tiếng này giảm bớt áp lực trước lượng khách du lịch cũng như khiến cư dân thành phố thoải mái hơn. Việc làm vệ sinh và bảo đảm an ninh cho đến nay vẫn do người dân địa phương chi trả.
Trong khi đó, dòng khách du lịch khổng lồ cũng như các tàu du lịch đã làm hao mòn hàng loạt cảnh quan kiến trúc của thành phố. Sau khi Venice tuyên bố áp mức thuế trên, Florence - thành phố nghệ thuật khác của Italy đang phải vật lộn với khách du lịch, đã kêu gọi một đạo luật cho phép tất cả các điểm du lịch lớn của nước này đánh thuế du khách.
Riêng ở châu Á, thành phố Kyoto ở Nhật Bản đã trở thành địa phương đầu tiên áp mức thuế liên quan đến du lịch, gọi là thuế lưu trú từ tháng 10 năm ngoái tại tất cả các khách sạn và nhà nghỉ. Thuế lưu trú của Kyoto được tính từ phần lưu trú trong một ngày đêm, số tiền lưu trú ứng với một đêm dưới 20.000 yen (180 USD) sẽ tính 200 yen (1,8 USD); từ 20.000 - 50.000 yen (450 USD) là 500 yen (4,5 USD); trên 50.000 yen là 1.000 yen (9 USD). Chính quyền Kyoto dự kiến số tiền thuế lưu trú thu được mỗi năm khoảng 4,6 tỷ yen (41,1 triệu USD).
Chính quyền đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) cũng đang xem xét việc áp thuế du lịch lên khách tham quan cũng với mục đích tương tự. Trong khi đó, từ đầu năm nay chính quyền đảo Bali (Indonesia) tuyên bố có kế hoạch áp khoản thuế là 10 USD đối với khách du lịch nước ngoài để đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường và văn hóa Bali.