Thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực: Trung Quốc và nhiều nước “đáp trả”

Mức thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng chục nền kinh tế chính thức có hiệu lực lúc 0 giờ 01 theo giờ Mỹ (11 giờ 01 giờ Việt Nam) ngày 9-4. Ngay sau đó, nhiều nước đã công bố các biện pháp đáp trả.

Trung Quốc tăng thuế với hàng hóa Mỹ lên 84%

Chiều 9-4, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế bổ sung 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 10-4, nâng tổng mức thuế được áp dụng lên 84% so với mức 34% trước đó. Động thái này nhằm đáp trả quyết định tương tự trước đó của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi nâng mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Trung Quốc từ 34% lên 84%. Cộng với mức thuế 20% đã được Mỹ áp dụng từ ngày 4-2, tổng mức thuế mà Mỹ đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 104%, có hiệu lực từ ngày 9-4.

J8c.jpg
Hàn Quốc có nhiều chính sách bảo hộ ngành ô tô. Ảnh: KoreaTechToday

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố động thái tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc là “một sai lầm”, xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.

Trong một thông báo liên quan cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này đã đệ đơn khiếu nại Mỹ về các biện pháp tăng thuế quan mới lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bộ trên cho rằng các biện pháp thuế của Mỹ vi phạm nghiêm trọng quy định của WTO và Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của tổ chức này cũng như bảo vệ vững chắc hệ thống thương mại đa phương và trật tự kinh tế, thương mại quốc tế. Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo quyết định đưa 12 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.

Theo Fox News, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp dụng thêm 50% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ (tổng cộng 84%), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 9-4 cho biết tất cả các lựa chọn chính sách vẫn còn bỏ ngỏ, bao gồm khả năng loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Theo ông, mọi thứ đều nằm trên bàn cân và Tổng thống Donald Trump sẽ là người quyết định vấn đề này.

EU, Canada “phản công”

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố giai đoạn đầu tiên của “chiến dịch phản công” thuế với danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế quan từ 10%-25% khi vào EU. Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Marc Ferracci cho rằng điều tối quan trọng hiện nay là phải phân tích tác động tiềm tàng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với từng lĩnh vực như hàng không vũ trụ, mỹ phẩm hoặc hàng xa xỉ để điều chỉnh phản ứng của EU. Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh Franceinfo, Bộ trưởng Ferracci nêu rõ quan điểm rằng EU phải ứng biến phù hợp để tránh nguy cơ leo thang có thể ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Canada François-Philippe Champagne khẳng định Canada chính thức thực thi các biện pháp đối phó vào lúc 0 giờ 01 sáng 9-4 (giờ địa phương). Theo thông báo của Bộ Tài chính Canada, các biện pháp trả đũa bao gồm mức thuế 25% đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Mỹ không tuân thủ Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và mức thuế tương tự đối với các linh kiện ô tô không có xuất xứ từ Canada hoặc Mexico. Canada cũng triển khai cơ chế miễn giảm thuế cho các nhà sản xuất ô tô nhằm khuyến khích đầu tư và duy trì việc làm trong nước.

Nhà Trắng thông báo đã có gần 70 quốc gia chủ động liên hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump để khởi động các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới; 2 đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản được Tổng thống Donald Trump ưu tiên hàng đầu. Theo Kyodo, Nhà Trắng cho biết các cuộc đàm phán sắp tới với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại, Washington muốn Tokyo và Seoul gánh thêm chi phí cho quân đội Mỹ đóng tại hai nước này.

Tin cùng chuyên mục