Thuế đối ứng của Mỹ: Các nước tiếp tục phản ứng, chuyên gia lo “rủi ro” lớn

Ngày 4-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, việc áp thuế đối ứng các nước giúp Washington nắm quyền chủ động trong quan hệ thương mại; khả năng giảm thuế sẽ phụ thuộc vào mức độ nhượng bộ của các đối tác đối với lợi ích của Mỹ. Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục có phản ứng mạnh về quyết định này của Mỹ.

Người tiêu dùng Mỹ đối mặt giá nông sản nhập khẩu tăng do thuế cao. Ảnh: KEYSTONE
Người tiêu dùng Mỹ đối mặt giá nông sản nhập khẩu tăng do thuế cao. Ảnh: KEYSTONE

Pháp ngừng đầu tư vào Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu đình chỉ các khoản đầu tư vào Mỹ cho đến khi có quyết định rõ ràng về những mức thuế quan mới mà Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với các đối tác thương mại, trong đó có mức thuế đối ứng 20% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho biết, đầu tư trực tiếp của Pháp vào Mỹ đạt 370 tỷ USD vào năm 2023, đưa Pháp trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại nền kinh tế số 1 thế giới. Trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào Pháp cùng năm đạt 142 tỷ USD.

Ngày 4-4, Ủy ban Thuế quan của Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, ngoài mức thuế hiện hành. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4, được xem là phản ứng trực tiếp trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-4 đã thông báo áp mức thuế đối ứng 34% đối với Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt khác, như đưa 11 thực thể của Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin cậy; bổ sung 16 thực thể của Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu…

Còn Hội đồng Liên bang thông báo, Thụy Sĩ quyết định không áp dụng các biện pháp đối phó ngay lập tức đối với mức thuế quan cao của Mỹ vào hàng hóa nước này.

Tại Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã cam kết áp dụng “mọi biện pháp thích hợp” để bảo vệ các công ty và người lao động nước này. Tổng thống Lula nhấn mạnh, Brazil ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, đồng thời sẽ đáp trả những biện pháp bảo hộ.

Con dao hai lưỡi

Các công ty Mỹ đã mất hàng ngàn tỷ USD giá trị trên thị trường chứng khoán vào ngày 3-4, sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu nước ngoài. Các ngân hàng, nhà bán lẻ quần áo, hãng hàng không và các công ty công nghệ nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì người tiêu dùng dự kiến ​​sẽ cắt giảm chi tiêu nếu thuế quan dẫn đến giá hàng hóa và dịch vụ tăng cao hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhiều loại trái cây và rau quả tươi bị ảnh hưởng bởi mức thuế cao mới, có hiệu lực từ tháng 4. Các mặt hàng như chuối nhập khẩu từ một số quốc gia Mỹ Latinh; cà phê (với khoảng 80% lượng tiêu thụ tại Mỹ) đến từ hàng nhập khẩu; gạo, tôm Thái Lan, Ấn Độ; dầu ôliu và rượu từ Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp... đồng loạt tăng giá. Ngoài các thiết bị điện tử dự báo sẽ tăng giá mạnh, giá xe cũng có thể tăng thêm hàng ngàn USD. Theo Phòng thí nghiệm ngân sách của Đại học Yale (Mỹ), các mức thuế mới có thể khiến chi phí quần áo và dệt may tại Mỹ tăng 17%, gây thiệt hại trung bình 3.800 USD/năm cho mỗi hộ gia đình.

Theo Financial Times, công thức tính thuế đối ứng của Chính quyền Tổng thống Donald Trump do Đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố, lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với từng quốc gia chia cho số lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ quốc gia đó. Các con số sau đó được làm tròn để đưa ra giá trị thuế quan cuối cùng. Các nhà kinh tế lập luận rằng, phương pháp của USTR có sai sót nghiêm trọng về mặt kinh tế và sẽ không thành công trong mục tiêu đã nêu là “đẩy thâm hụt thương mại song phương về mức 0”.

Ngân hàng JPMorgan cho biết, mức thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến tổng thuế suất tích lũy của Mỹ tăng lên khoảng 22%, đánh dấu đợt tăng thuế lớn nhất của nước này kể từ năm 1968...

Trong một diễn biến khác, nhóm luật sư New Civil Liberties Alliance (NCLA) của Mỹ đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Florida nhằm ngăn chặn việc Tổng thống Trump áp tổng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 54%. Đơn kiện cáo buộc ông Trump vượt quá thẩm quyền khi viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp quốc tế IEEPA (một luật chưa từng được dùng để áp thuế) để thực hiện chính sách thương mại mang tính bảo hộ.

Tin cùng chuyên mục