Trong bài báo “Trả lại đúng công năng cho Thảo Cầm viên Sài Gòn” đăng ngày 16-5, có nêu phía Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn cho biết đã nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của UBND TPHCM về việc không sử dụng diện tích đất công viên để kinh doanh, đã ngưng 11 trong số 12 hợp đồng cho thuê mặt bằng. Thế nhưng, người dân tiếp tục cung cấp thông tin cho biết thực tế vẫn còn đến 4.713m² đất của Thảo Cầm viên Sài Gòn bị “xẻ” để cho thuê.
Thuê 4.713m² đất giá rẻ
Hợp đồng cho thuê quy mô lớn nhất là cho dịch vụ Eco Box (Container) của Công ty cổ phần Phú Hoàng Gia thuê 4.713m² đất. Quan sát ngoài mặt tiền Thảo Cầm viên Sài Gòn phía đường Nguyễn Thị Minh Khai, có thể thấy dịch vụ lớn nhất có biển báo xuất hiện khắp nơi là Rubik của Phú Hoàng Gia.
Theo hợp đồng số 489/HĐKT-TCV và phụ lục 685/PLHĐ-TCV về hợp tác đầu tư và khai thác Eco Box, đơn vị này được Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn cho thuê 4.713m² mặt bằng khuôn viên Thảo Cầm viên Sài Gòn với giá chỉ 150 triệu đồng/tháng, được sử dụng để hoạt động kinh doanh từ 7 đến 24 giờ mỗi ngày. Chính vì thuê được diện tích lớn với giá hời nên Phú Hoàng Gia cho hàng chục đơn vị khác thuê lại để hưởng chênh lệch. Trên mặt bằng 4.713m² đang có rất nhiều dịch vụ hoạt động: khu ẩm thực đường phố với hàng chục gian hàng, các quầy quần áo, đồ lưu niệm, các dịch vụ ăn uống nhanh, trò chơi, nhà hàng BBQ, nhà hàng lẩu nướng, sân khấu tổ chức sự kiện…
Là đơn vị thuê lại từ Phú Hoàng Gia 580m² diện tích Thảo Cầm viên Sài Gòn để mở nhà hàng dưới hình thức “hợp tác đầu tư”, bà B.T.H.V, Giám đốc Công ty M.T.H.P., cho biết: “Chúng tôi phải trả 120 triệu đồng/tháng phí thuê mặt bằng dưới tên gọi “chia sẻ doanh thu”, vậy mà vẫn không thể yên ổn kinh doanh. Ban đầu, phía Phú Hoàng Gia khẳng định họ được toàn quyền sử dụng diện tích thuê của Thảo Cầm viên Sài Gòn nên đảm bảo các đơn vị “hợp tác đầu tư” cũng sẽ được toàn quyền sử dụng phần diện tích thuê lại. Tuy nhiên, kinh doanh được vài bữa, trên một số tờ báo trong đó có Báo SGGP có bài phản ánh về tình trạng “xẻ đất” công viên cho thuê làm nhà hàng, thì phía Phú Hoàng Gia liên tục yêu cầu chúng tôi thực hiện các hình thức đối phó. Đầu tiên họ yêu cầu tạm thời tháo dỡ biển hiệu, vì nhà hàng của chúng tôi đã lỡ lọt vào hình ảnh của báo chí, sau đó yêu cầu trưng lều ở phía ngoài để cho giống các gian hàng ở hội chợ, rồi trồng cây che kín phía mặt tiền để bên ngoài không nhìn được vào bên trong. Họ bảo phía Thảo Cầm viên Sài Gòn yêu cầu vậy để dư luận không bàn tán, vì đợt này thành phố làm căng; khi tình hình lắng xuống thì nhà hàng chúng tôi sẽ được trưng bảng hiệu lại. Từ đầu năm 2018 đến nay, chúng tôi vẫn phải kinh doanh dưới “vỏ bọc” dịch vụ của Rubik một cách lén lút, khiến doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi đã nhiều lần gửi văn bản cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn về việc bất ổn này, nhưng họ không có bất kỳ phản hồi nào”.
Chỉ cho một đơn vị thuê lại 580m² mặt bằng Thảo Cầm viên Sài Gòn (với diện tích bằng 1/10 diện tích thuê của Thảo Cầm viên Sài Gòn) Phú Hoàng Gia đã thu 120 triệu đồng/tháng, chưa kể các đơn vị khác như Foody, Panda BBQ… cũng đang thuê lại. Nghĩa là Phú Hoàng Gia hưởng chênh lệch khá lớn từ việc cho thuê lại đất công viên. Ngoài diện tích cho các đơn vị thuê mở nhà hàng, lều, ki ốt kinh doanh ẩm thực, thời trang, quầy lưu niệm, tại đây còn có một sân khấu cho thuê tổ chức các chương trình ca nhạc, tổ chức sự kiện, với giá lên tới 30 triệu đồng/buổi. Ở phía này còn có một bãi giữ xe đề biển “bãi giữ xe Thảo Cầm viên”, có thông báo quy định giữ ô tô cho khách tham quan công viên nhưng thực tế lối vào công viên khóa, bãi xe này nghiễm nhiên trở thành bãi xe của khu dịch vụ giải trí Rubik của Phú Hoàng Gia.
Lãnh đạo Thảo Cầm viên nói gì?
Đề cập đến việc Phú Hoàng Gia thuê đất của Thảo Cầm viên Sài Gòn rồi cho đơn vị khác thuê lại, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên, khẳng định: “Việc hợp tác như vậy là sai quy định và cũng không đúng với hợp đồng giữa Thảo Cầm viên và Phú Hoàng Gia. Trong hợp đồng kinh tế số 489/HĐKT-TCV về hợp tác đầu tư và khai thác Eco Box Thảo Cầm viên ghi rõ: “Diện tích khu đất thi công lắp đặt công trình gồm: diện tích con đường bê tông nội bộ 770m²; phần đất bên trong con đường bê tông nội bộ 2.959m²; phần đất bên ngoài con đường bê tông nội bộ 984m². Khu công trình được xác định bao gồm: khu container và khu lều di động; công trình phụ trợ tạm bợ như là bãi đậu xe và cảnh quan. Khi thấy các nhà hàng treo biển, tôi đã đề nghị tháo xuống, tôi không biết các công ty đó, tôi chỉ biết Thảo Cầm viên Sài Gòn có hợp tác với Phú Hoàng Gia với các dịch vụ ”.
Khi được hỏi về việc có biết Phú Hoàng Gia cho thuê lại đất, ông Tân bảo có biết và đã có Thông báo số 08/TCVSG ngày 8-1-2018 về việc ngừng kinh doanh hai nhà hàng của Công ty cổ phần Đầu tư Phú Hoàng Gia. Theo đó, đề nghị đơn vị này tháo dỡ bảng quảng cáo hai nhà hàng Zone 51 và Panda BBQ chậm nhất vào ngày 10-1-2018; Dừng hoạt động hai nhà hàng này chậm nhất vào ngày 15-1-2018. Tuy nhiên, đến nay, hai nhà hàng này vẫn hoạt động dưới “vỏ bọc” là dịch vụ của Phú Hoàng Gia. Khuôn viên hai nhà hàng được che chắn khá cẩn thận, được trồng cây làm hàng rào để khuất tầm mắt từ ngoài nhìn vào.
Về phần bãi giữ xe, ông Tân thừa nhận đây là bãi giữ xe phục vụ khách uống cà phê tại quán của Thảo Cầm viên Sài Gòn, nhưng từ đầu năm 2018 quán cà phê sửa chữa nên phục vụ giữ xe cho khách sử dụng các dịch vụ bên ngoài.
Trả lời về hướng giải quyết dứt điểm việc 4.713m² mặt bằng khuôn viên Thảo Cầm viên Sài Gòn bị cho thuê, ông Tân khẳng định: “Trong tháng 6 sẽ chấm dứt hoàn toàn các hoạt động của những đơn vị hết hợp đồng vào ngày 31-12-2017, nếu họ không dời đi, chúng tôi sẽ thuê đơn vị thứ 3 đến tháo dỡ cơ sở vật chất để trả lại mặt bằng cho Thảo Cầm viên. Riêng đối với Phú Hoàng Gia, cuối tháng 5-2018 chúng tôi sẽ làm việc và yêu cầu đơn vị này chỉ triển khai các dịch vụ đã ký kết trong hợp đồng, còn đối với các dịch vụ khác, nhất là 2 nhà hàng thì phải khẩn trương giải quyết, dẹp bỏ. Nếu họ không chấp hành, chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn”.