Thực thi mệnh lệnh từ trái tim

Đã 2 năm sau vụ tai nạn chìm tàu trên biển, nhưng Đặng Văn Dũng vẫn nhớ như in giây phút nhìn thấy đèn pha sáng rực của tàu KN469 giữa đêm tối. “Gió to, sóng lớn, giữa mênh mông biển trời mịt mờ như vậy, tôi không nghĩ mình còn cơ hội. Đói, khát, đến thở cũng không đủ sức nữa, định buông xuôi thì những người hùng xuất hiện…”, anh Dũng kể. 

Ngược sóng gió giành sự sống

Sau lần đối mặt với tử thần ấy, người thân cũng nhỏ to khuyên anh nên chọn nghề mới. Nhưng Dũng quyết bám trụ với biển, bởi lẽ anh tin rằng những con tàu mang sắc cờ đỏ sao vàng sẽ luôn đồng hành, bảo vệ những ngư dân như anh. Sau mỗi chuyến đi biển dài ngày, như một thói quen, Dũng lại gọi điện để thăm hỏi thuyền trưởng Lê Văn Chung, người được anh coi như một người anh lớn.

Đánh liều đi một chuyến dài ngày với mong muốn có mẻ lưới lớn để có một khoản cho đứa con lớn nhập học ở thành phố. 40 ngày đầu tiên của hải trình trôi qua thật bình an. Anh Dũng, tài công của tàu BĐ96475TS và người cộng sự duy nhất đã tính đến chuyện quay về bờ, nhất là khi nghe được dự báo xuất hiện vùng áp thấp trên Biển Đông có thể chuyển thành bão. Song chưa kịp trở về thì áp thấp đã ập đến. Sóng lớn làm máy phát điện vốn đã cũ nay hỏng hoàn toàn. Máy bơm không hoạt động, nước chảy ngược vào trong hầm… Tàu BĐ96475TS phát tín hiệu cấp cứu. 

Chiều 7-8-2018, thuyền trưởng Lê Văn Chung tàu KN469 nhận được lệnh khẩn, cơ động ngay ra vùng biển đang có sóng dữ, “cấp cứu” tàu cá BĐ96475TS gặp nạn. Đã nhiều năm đi biển, bao lần đương đầu với gió bão nhưng chuyến công tác này khác biệt bởi mỗi thời khắc trôi qua sẽ làm vơi dần cơ hội sống của thuyền viên tàu bị nạn.

Bản tin cảnh báo áp thấp nguy hiểm trên Biển Đông liên tục được phát ra. Tại phòng chỉ huy, thuyền trưởng Lê Văn Chung lặng người vì tình huống xấu nhất đã xảy ra, dù được lường trước. Trên biển hôm ấy thời tiết rất xấu, gió Tây Nam cấp 7, giật trên cấp 7, trời mưa dông, tối đen như mực. Tầm nhìn hạn chế, sóng liên lạc với tàu bị nạn đã không còn nên việc tìm kiếm hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người đi biển. Mưa ràn rạt quất lên tấm kính chắn trên buồng lái, những cơn sóng chồm lên như muốn nuốt chửng mọi thứ xung quanh nhưng tàu KN469 vẫn đè sóng, tiến về phía trước.

Thực thi mệnh lệnh từ trái tim ảnh 1 Lê Văn Chung, thuyền trưởng tàu kiểm ngư, có nhiều thành tích trong tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ ngư dân trên biển

Theo lệnh của chỉ huy, các kênh liên lạc được mở tối đa để nhận diện, phối hợp với những tàu đã và đang di chuyển ở khu vực quanh vùng xác định tàu bị nạn. Ngoài boong tàu, toàn bộ đèn pha được tập trung bật sáng hai bên mạn tàu. Cả ê kíp tính toán sức gió, luồng chảy, từng mét vuông mặt biển được quét, rọi theo hình giẻ quạt… Sau nhiều tiếng vật lộn, quần thảo với gió, bão, 2 ngư dân của tàu cá bị nạn được tìm thấy và đưa lên tàu kiểm ngư trong tình trạng kiệt sức, hoảng loạn. 

Nhận định thời tiết tiếp tục xấu đi, việc tiếp cận và kéo tàu bị nạn về Song Tử Tây được quyết định nhanh chóng ngay trong chiều hôm đó để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Việc bàn giao đang diễn ra thì tàu KN469 nhận được tín hiệu cấp cứu thứ 2 từ tàu cá bị nạn. 

Cách Song Tử Tây 85 hải lý, trong điều kiện gió Tây Nam cấp 7, sóng lớn, tàu cá BĐ97490TS bị mất lái khiến sinh mạng của 9 ngư dân trên tàu trở nên chông chênh hơn bao giờ hết, bởi nếu không may gặp luồng sóng dữ, tàu sẽ có nguy cơ bị lật chìm bất cứ lúc nào. Không có nhiều thời gian để chần chừ thêm, ngay trong đêm 13-8-2018, tàu KN469 nhổ neo tiến vào vùng áp thấp. Rạng sáng hôm sau, kiểm ngư đã tiếp cận với tàu bị nạn.

Sau khi phát đủ áo phao, buộc dây dắt, đảm bảo an toàn về người, việc cứu kéo, sửa chữa tàu được tiến hành ngay. Nhận định đây là khu vực gió lớn, nhiều bãi cạn, rất nguy hiểm nếu không sửa chữa kịp thời thì chỉ một cơn sóng quái cũng có thể làm chìm tàu. Lợi dụng địa hình đào chắn sóng sát mép đảo Đá Nam, thuyền trưởng Lê Văn Chung ngay lập tức đưa nhân viên của tàu sang khắc phục thành công sự cố máy lái. Sự quyết đoán trong xử lý tình huống nguy hiểm này đã loại bỏ cho BĐ97490TS nguy cơ chìm tàu, hơn thế, các ngư dân lại có thể tiếp tục thực hiện hành trình đánh bắt. 

Cùng lúc đó, tín hiệu cấp cứu thứ 3 chuyển tới tàu KN469. Tình huống nguy khẩn được xác định bởi trên tàu QNA90839TS khi ấy có 52 thuyền viên. Sóng lớn đã làm chân vịt bị gãy, trong khi thời tiết trên biển khi ấy đang có xu hướng xấu hơn. Nhận được tín hiệu SOS trong thời điểm các thuyền viên đã nhiều ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, cứu hộ liên tiếp 2 tàu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã hút cạn sức lực của anh em, thuyền trưởng Chung vô cùng lo lắng.

Nhưng nhìn sóng, gió ngoài kia đang vần vũ, tàu bị nạn với hơn 50 sinh mạng khiến anh và đồng đội không thể chùn bước. Họ đều hiểu muốn cứu người thì không được thỏa hiệp với “thần” biển. Cơ động ngay trong đêm, đến rạng sáng 18-8-2018, thuyền trưởng Chung đã cho KN469 tiếp cận với tàu bị nạn. 52 thuyền viên đang thả trôi trên tàu mực vỏ gỗ của ông Nguyễn Văn Bé ở Núi Thành, Quảng Nam khi nhìn thấy lực lượng kiểm ngư đã rơi nước mắt… 

Trong vòng 12 ngày đêm liên tục, trong khu vực thời tiết xấu, diễn biến phức tạp, 3 tàu cá với 63 ngư dân đã được tìm kiếm và cứu nạn thành công là một kỳ tích đối với lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đó cũng là một trong những dấu ấn ghi nhận sự trưởng thành, vững vàng của thuyền trưởng Lê Văn Chung. 

Người con của biển

Sinh ra ở vùng núi Thanh Chương, Nghệ An, nhưng bây giờ Lê Văn Chung đã trở thành con của biển. Cái nắng, gió, vị mặn mòi của biển đã tôi luyện cậu học sinh trường chuyên trở thành một thủy thủ bản lĩnh. Trải qua các cương vị từ tập sự trưởng ngành hàng hải đến thuyền trưởng của nhiều tàu, Lê Văn Chung giờ là một trong những thuyền trưởng trẻ xuất sắc trong đội ngũ kiểm ngư.

Với thành tích tìm kiếm, cứu nạn đặc biệt, tàu KN469 đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Cá nhân thuyền trưởng Lê Văn Chung được tặng thưởng bằng khen của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng năm 2018, Lê Văn Chung được tặng thưởng danh hiệu Thuyền trưởng tàu kiểm ngư tiêu biểu xuất sắc.  

Chi đội trưởng Chi đội Kiểm ngư 4 Nguyễn Minh Lành nhận định: “Các tình huống cứu nạn diễn ra gấp rút, tình hình thời tiết phức tạp, vì vậy phải cơ động nhanh nhất, tiếp cận tàu bị nạn trong thời gian ngắn nhất. Tổ chức cứu nạn, người chỉ huy phải xây dựng các phương án, cách làm phù hợp với thực tiễn, phải lường trước các tình huống có thể xảy ra và tuyệt đối không được chủ quan, làm tắt, làm ẩu… Tuổi đời còn trẻ, song Lê Văn Chung đã có những kinh nghiệm và sự từng trải mà ít người có được”.

Để có được những điều ấy, không chỉ đòi hỏi ở một người thuyền trưởng có kiến thức mà còn phải là người biết lắng nghe, ham học hỏi. Nhiệm vụ thuyền trưởng của những con tàu lớn đã đặt lên vai Lê Văn Chung nhiều trọng trách, nhưng có lẽ càng đối mặt với thách thức thì bản lĩnh của người chỉ huy lại càng vững vàng, trưởng thành hơn. 9 năm gắn bó với tàu, với biển, cái dữ dằn của sóng, gió đã tôi luyện thêm ý chí, tinh thần thép ở anh...

Được nghe kể nhiều về Lê Văn Chung, thuyền trưởng kiểm ngư dũng cảm thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ cứu hộ ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng khi gặp mặt, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi sự điềm tĩnh, đầy từng trải hiện hữu trên một khuôn mặt hiền khô với giọng nói ngọt ngào, ấm áp đến nhường vậy. Không ăn sóng, nói gió, thậm chí còn khá kiệm lời, song khi nhắc tới biển, tàu, ánh mắt của vị thuyền trưởng trẻ lại tràn đầy nhiệt huyết.

Chung chia sẻ, biển Việt Nam dài và đẹp song chịu ảnh hưởng rất lớn của gió mùa, bão, áp thấp nhiệt đới và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan và thiên tai diễn biến bất thường. Mỗi năm trung bình có 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho nhân dân, đặc biệt ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên biển, người dân sống ven biển. Bởi thế, khi đứng trong lực lượng kiểm ngư Chung luôn tâm niệm “bảo vệ ngư dân không chỉ là nghĩa vụ mà đó còn là mệnh lệnh từ trái tim”.

 Bố mất sớm, mẹ một mình vất vả nuôi 4 chị em Lê Văn Chung, bởi thế ban đầu Chung chọn Học viện Hải quân chỉ với suy nghĩ là đỡ cho mẹ một miệng ăn, khi ra trường lại có công việc ổn định có thể giúp đỡ gia đình. Cứ chăm chỉ học tập rèn luyện mỗi ngày, chẳng biết từ lúc nào tình yêu với biển, với tàu đã trở nên gắn bó với Chung. Có lẽ hơn ai hết, Lê Văn Chung hiểu sự mất mát của những đứa trẻ sớm mồ côi. Anh hiểu đằng sau những tín hiệu đang cầu cứu, chờ đợi anh và đồng đội đến giúp đỡ trong dông bão ấy là những người vợ chờ chồng, những đứa trẻ đợi cha…

Điều ấy đã tiếp thêm ý chí và động lực của Lê Văn Chung trong những hải trình giành giật sự sống từ tay của thần biển. Vào tháng 5-2019, thuyền trưởng Lê Văn Chung lại một lần nữa chỉ huy thành công cứu nạn 34 ngư dân trên tàu cá Quảng Nam 94079TS bị hỏng máy, trôi dạt tự do. 

Tại thời điểm này, Lê Văn Chung được giao trọng trách thuyền trưởng của một trong những tàu kiểm ngư hiện đại nhất hiện nay. Với người trẻ tuổi như anh, đó là dấu ấn ghi nhận những nỗ lực trong công tác, nhưng đó cũng thực sự là thử thách mới bởi thuyền lớn sẽ phải đương đầu với sóng lớn.

Song một điều có thể khẳng định chắc chắn, với tâm huyết, trách nhiệm, kinh nghiệm và sự quyết đoán của một thuyền trưởng như Lê Văn Chung, các ngư dân sẽ có thêm một chỗ dựa vững chắc, giúp họ an tâm rẽ sóng ra khơi đánh bắt, bảo vệ ngư trường truyền thống của cha ông. 

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Gương sáng ở làng chài Phước Tỉnh

Gương sáng ở làng chài Phước Tỉnh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với 11 anh chị em, ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, năm 1987, ông Nguyễn Văn Nhỏ (hiện 53 tuổi) từ biệt dải đất miền Trung đầy nắng gió tìm đến lập nghiệp ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Báo SGGP kỷ niệm ngày 21-6 và trao giải cuộc thi Người tốt - Việc tốt

Báo SGGP kỷ niệm ngày 21-6 và trao giải cuộc thi Người tốt - Việc tốt

Báo SGGP tổ chức ôn lại truyền thống ngành nghề 21-6 dành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ của đơn vị nhân dịp cả nước kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, trao giải Cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí “Người tốt - Việc tốt” lần 2, phát động cuộc thi với mùa thứ 3 mang tên gọi mới "Tỏa sáng giá trị Việt". 
Vẹn nghĩa, trọn tình đồng đội

Vẹn nghĩa, trọn tình đồng đội

Gần 20 năm qua, không quản tuổi già và bệnh tật do di chứng chiến tranh, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (78 tuổi, ở phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn miệt mài đi khắp các nghĩa trang, di chỉ kháng chiến, rừng núi Đông Trường Sơn để tìm kiếm tung tích, hài cốt các đồng đội. 
 GS-TS Võ Tòng Xuân (ngồi giữa)

Người gieo chữ trên ruộng đồng

Bước sang tuổi 82, lịch trình làm việc của GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn dày đặc. Hôm thì ông có mặt trên đồng ở Tứ giác Long Xuyên để nói chuyện với nông dân về phân bón vi sinh, hôm thì đi thực tế ở Đồng Tháp Mười nói về sản xuất nông nghiệp sạch. Mỗi khi có dịp tiếp xúc, ông vẫn nói về cây lúa, con tôm... Ông nói một cách tâm huyết, chất chứa cả trăn trở và niềm vui của người con vùng đất châu thổ ĐBSCL.
Các bạn nhỏ tại TPHCM được nhận sách từ dự án Căn phòng đầy sách

Trao yêu thương từ những cuốn sách

Ngẫm câu viết “Đừng chê sách cũ sách bong, em như cơm nguội no lòng canh khuya” trong cuốn Thú chơi sách của học giả Vương Hồng Sển (1902-1996), tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa công việc của Trần Đăng Thịnh và dự án Căn phòng đầy sách mà anh cùng các cộng sự theo đuổi hơn 3 năm qua nhằm trao tặng sách đến nhiều nơi, nhiều người trên mọi miền đất nước. Dĩ nhiên trước khi biết Thịnh, tôi đã biết đến Tiệm sách truyện cũ Casanova nằm gần ngã tư cầu Bông (quận 1, TPHCM) từ lâu, chỉ vì tôi từng mua một số cuốn sách của anh qua fanpage Tiệm sách truyện cũ Casanova.
Bác sĩ Lê Thị Vân, Chủ tịch Chi hội Thiện Nhân và lãnh đạo chi hội chúc mừng các thành viên, nhà hảo tâm đã ủng hộ chi hội tại lễ phát động gây quỹ năm 2022

“Sứ giả” của người nghèo

Người dân Sài Gòn - TPHCM vốn hào hiệp và trọng nghĩa tình. Tập thể hội viên Chi hội Thiện Nhân cũng mang tinh thần đó nên gần 20 năm qua, họ như những “sứ giả” miệt mài mang tấm lòng người dân thành phố đến với người nghèo, đồng bào khó khăn trên khắp mọi miền đất nước.
Hà và An bên máy hút dịch chanh dây bán tự động do 2 em thiết kế

Học sinh chế tạo máy hút dịch chanh dây dự thi quốc tế

Với mong muốn vơi đi nỗi vất vả của người nông dân, Vi Thị Thu Hà (lớp 11A1) và Đào Huỳnh Duy An (lớp 12A5, Trường THCS, THPT Đông Du, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã chế tạo thành công máy hút dịch chanh dây bán tự động. Với thiết kế sáng tạo, dễ ứng dụng vào thực tế, dự án của Hà và An được Bộ GD-ĐT chọn tham gia Hội thi Khoa học - Kỹ thuật (KH-KT) Quốc tế năm 2022 (ISEF 2022) được tổ chức tại Mỹ vào tháng 5 tới đây.
Đại úy Thái Ngô Hiếu tại lễ công bố quyết định thăng quân hàm do Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức

Xứng danh người chiến sĩ Công an nhân dân

Câu chuyện về Đại úy Thái Ngô Hiếu (38 tuổi, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đồng Nai) vừa cứu sống 4 người bị đuối nước tại bãi tắm thuộc ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang được dư luận cả nước quan tâm. Đó là hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an dũng cảm, quên mình, tận tụy vì nhân dân phục vụ.
Anh Hai “chim cánh cụt”

Anh Hai “chim cánh cụt”

Ở giữa vùng quê nghèo xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) có một người thầy vô cùng đặc biệt. Anh không có danh phận chính thức, không nằm trong biên chế của ngành giáo dục, mà chỉ là người anh cả của những học sinh nghèo. 
Cô Kiều của làng Gò Cỏ

Cô Kiều của làng Gò Cỏ

Xưa kia, cộng đồng làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) gần như sống biệt lập trong eo biển hoang sơ, khắc nghiệt, ít giao thiệp với bên ngoài. Những tưởng vùng đất ấy sẽ bị bỏ quên, nhưng cho đến một ngày cô Kiều tìm đến. Chỉ hơn 5 năm, cô đã mang đến làn gió mới, hồi sinh vùng đất Gò Cỏ, khai phá những nét đẹp sâu kín trong con người ở làng cổ này. 
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thành chuyển từng bao gạo do bà con ở quê ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TPHCM

Chân dung bác sĩ quân y

Thời chiến, bác sĩ quân y không chỉ cứu thương, chữa trị cho bộ đội mà còn phải đào công sự, nhiều lúc phải cầm súng chiến đấu. Trong thời bình, hình ảnh quen thuộc của bác sĩ quân y là những kíp trực liên ca ở bệnh viện (BV) dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, bay ra Trường Sa cứu ngư dân... Chân dung bác sĩ quân y thời bình sẽ chưa tròn, nếu không nói đến sự hy sinh thầm lặng và những lăn lộn sau ca trực. 
Biệt đội giải cứu xe gặp nạn

Biệt đội giải cứu xe gặp nạn

Bất kể ngày đêm, mưa bão hay lễ tết, hễ có tài xế gọi điện nhờ sửa chữa xe, các thành viên Câu lạc bộ hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai lại gác bỏ công việc để đến trợ giúp miễn phí. Nhờ đó, những chiếc xe gặp nạn được giải cứu kịp thời, giúp tài xế giao hàng đúng hẹn và về đến nhà an toàn.
Ảnh cưới của Điều dưỡng Hà Thị Kim Phúc và chồng là Thiếu úy, Điều dưỡng Hoàng Văn Huy chụp trong khuôn viên BV Quân y 175

Áo cưới màu blouse trắng

Khi còn trẻ, người ta có nhiều mơ ước để kể cho nhau nghe và nhiều khát vọng để nỗ lực đến cùng trong hành trình thanh xuân. Họ cũng thế. Những câu chuyện rực rỡ và sôi nổi của năm tháng tuổi trẻ được kể lại sau những ngày nơi tuyến đầu chống dịch. Còn niềm vui riêng tư đành xếp sau. Và màu áo cưới với họ cũng thật ý nghĩa như màu áo blouse trắng mà các anh chị đã chọn để gắn bó.
Các cô gái vàng của bóng đá Việt Nam đã biến giấc mơ World Cup thành hiện thực. Ảnh: P.NGUYỄN

Vượt gian nan lập nên kỳ tích

Càng áp lực, khó khăn và bị dồn vào thế chân tường thì càng tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho các “cô gái vàng” của bóng đá Việt.
Ông Chung “xe ca”

Ông Chung “xe ca”

Sau này, dù ai cầm quân ở đội tuyển nữ quốc gia, hay tạo nên những dấu mốc chói lọi tiếp theo, thì lịch sử bóng đá Việt Nam cũng đã ghi nhận ông Mai Đức Chung là “người thầy vĩ đại” đầu tiên biến khát vọng World Cup của bóng đá nữ thành hiện thực. Năng lượng tích cực mà ông Chung “xe ca” và các học trò đem lại trong những ngày đầu năm mới đang truyền cảm hứng cho thể thao Việt Nam hướng đến những điều tốt đẹp, trao thêm động lực cho thầy trò bóng đá nam đến gần với “sân khấu lớn”…
Già Hơn bên khu đất hiến tặng làm Nhà văn hóa bản Lâm Ninh

Già làng một đời vì dân bản

Hàng chục năm qua, già Hồ Văn Hơn (68 tuổi, ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được dân bản tín nhiệm bởi không chỉ luôn chăm lo cái ăn, cái mặc chu đáo cho bà con, đem gạo nhà tặng hộ nghèo mà còn đi đầu trong việc tìm đất dựng bản. Không những thế, già Hơn tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất dựng trường, làm đường cho con em quê hương có tương lai tốt đẹp.
Ông Gừng đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề thổi thủy tinh

Người giữ “lửa” nghề thổi thủy tinh

Những thập niên cuối của thế kỷ trước, xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh. Đến nay, trước sự phát triển của máy móc công nghiệp, nghề thổi thủy tinh truyền thống bị mai một nhiều. Người gắn bó lâu nhất với nghề và duy trì phương pháp thủ công, trăn trở giữ nghề, nay chỉ còn ông Hồ Xuân Gừng (72 tuổi, thôn Giáp Long).
Anh Phan Văn Hải kiểm tra mực mới đánh bắt được sau chuyến vươn khơi xa

“Đầu tàu” làng biển

Anh Phan Văn Hải được nhiều người biết đến không chỉ với tư cách là Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) mà còn là người đầu tiên có công “kéo” ngư dân tỉnh Nghệ An vươn tới ngư trường Hoàng Sa. Hơn 20 năm theo nghiệp ông cha, anh là cứu tinh của nhiều người đi biển gặp nạn ngoài trùng khơi, cũng là người nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bỏ phố lên núi giúp đồng bào thoát nghèo

Bỏ phố lên núi giúp đồng bào thoát nghèo

Gác lại phố thị náo nhiệt, chàng trai quê Hà Tĩnh lên miền núi Quảng Bình giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo bền vững. Đó là anh Ngô Văn Hồng với hơn 20 năm coi miền núi Tuyên Hóa là quê hương thứ hai và kết nghĩa anh em cùng người Mã Liềng vùng biên giới.