Trả lời câu hỏi về việc chuẩn bị khung khổ pháp lý cho việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực thực thi, LS Trương Trọng Nghĩa nói: “CPTPP là một hiệp định thương mại tự do, nó có những điểm mới so với các hiệp định đã ký kết, nhưng cũng có rất nhiều nội dung chúng ta đã làm rồi, không khác lắm với những hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và đang ký kết.
CPTPP cơ bản dựa trên cơ sở WTO, một số quy định về tự do hóa thương mại, đầu tư trong khuôn khổ APEC, ASEM và đặc biệt là rất tương đồng với Hiệp định về thương mại tự do trong ASEAN. Ta cũng đang đàm phán và chuẩn bị tiến đến ký kết Hiệp định tự do hóa thương mại với EU (EVFTA). Khung khổ pháp lý để thực hiện các FTA thế hệ mới này đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, CPTPP cũng có những điểm mới, đòi hỏi chúng ta phải rà soát, sửa đổi pháp luật, nội luật hóa một số quy định để có cơ sở triển khai luật chơi chung”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận định, một số quy định trong CPTPP hướng đến phát huy quyền tự do dân chủ của người dân, người lao động thì “không phải chỉ vì nhu cầu của các đối tác, mà là nhu cầu của chính chúng ta”.
Một số quy định loại này có thể làm cho công tác quản lý có phần phức tạp hơn, vất vả hơn; nhưng có lợi hơn cho đất nước, nên cần quyết tâm làm. “Kinh nghiệm của các quốc gia là khi dựa vào người dân, dựa vào xã hội nhiều hơn thì quốc gia phát triển. Phát huy quyền tự do dân chủ của người dân và các định chế xã hội về lâu về dài sẽ giúp quản lý nhà nước tốt hơn. Vấn đề là phải có khung pháp lý hoàn thiện và có khung rồi thì phải quản lý bằng pháp luật. Cách làm phù hợp nhất là như vậy”.
Dự báo những khó khăn khi triển khai thực hiện CPTPP, Luật sư kỳ cựu nhìn nhận, nếu thiếu sự chuẩn bị, các doanh nghiệp Việt Nam có thể không tận dụng được cơ hội mà hiệp định đem lại. Chúng ta có những lợi thế, nhưng cũng có những điểm yếu, trong khi CPTPP đem lại cơ hội cho cả chúng ta lẫn các nền kinh tế cạnh tranh khác. “Hãy hình dung như thế này, không có lợi ích nào như quả trên cây tự dưng rụng xuống cho ta nhặt, mà phải vun trồng, chăm bón, nỗ lực ghê gớm”, ông nói.
Lấy ví dụ cụ thể từ các ngành như cơ khí, dệt may, da giày, nông sản…, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ có sự tổng kết sâu sắc để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các hiệp hội ngành hàng “tự nhìn lại mình để tăng cường tính liên kết, tăng khả năng tự chủ về nguyên liệu, không nên trông cậy vào việc bán đi tài nguyên và sức lao động với giá rẻ”.