Vụ kiện đòi bồi thường “khủng”
Vụ kiện vi phạm bản quyền mới đây giữa đạo diễn Nguyễn Việt Tú, Công ty CP tổng hợp truyền thông DS (Công ty DS), tác giả vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên Ngày xưa (hay còn gọi Thuở ấy xứ Đoài) với chính chủ đầu tư của vở diễn này là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu Hà Nội) có thể xem là sự kiện đáng chú ý nhất trong lĩnh vực vi phạm bản quyền ở nước ta thời gian qua. Nó gây chú ý không chỉ ở số tiền đòi bồi thường có thể xem là “khủng” mà còn là sự kiên quyết muốn đi đến tận cùng để tạo ra một “án lệ” trong lĩnh vực này từ phía người trong cuộc.
Cụ thể, hiện Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã chính thức thụ lý đơn kiện của Công ty DS đối với Công ty Tuần Châu Hà Nội. Công ty DS buộc Công ty Tuần Châu Hà Nội phải thừa nhận vở diễn Tinh hoa Bắc bộ được xây dựng, kế thừa dựa trên nền tảng đã có trước đó của vở diễn Ngày xưa (tác giả là đạo diễn Việt Tú).
Đặc biệt, Công ty DS yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội bồi thường thiệt hại phát sinh do các hành vi vi phạm tương ứng với 10% doanh thu bán vé bị mất đi do hành vi vi phạm nghĩa vụ của Công ty Tuần Châu Hà Nội (hơn 6,3 tỷ đồng). Tổng cộng, số tiền yêu cầu thanh toán lên tới gần 7,2 tỷ đồng.
Vụ việc bắt đầu lùm xùm từ tháng 3-2018, khi Công ty Tuần Châu Hà Nội có đơn kiện buộc Công ty DS chuyển giao quyền chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh trên và yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền hơn 6,2 tỷ đồng.
Khoản bồi thường này bao gồm chi phí Công ty Tuần Châu Hà Nội phải bỏ ra để đầu tư xây dựng chương trình biểu diễn thực cảnh khác thay thế cho vở diễn Thuở ấy xứ Đoài và chi phí mời luật sư tư vấn giải quyết vụ việc.
Theo công ty này, ý tưởng “biểu diễn thực cảnh” là của chủ tịch tập đoàn Tuần Châu. Công ty Tuần Châu Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty DS về tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình dự án trình diễn thực cảnh trên.
Tuy nhiên, sau khi vở diễn hoàn thành và công diễn một thời gian ngắn, với lý do để đáp ứng được các yêu cầu về lợi ích của chủ đầu tư, thỏa mãn thị hiếu của công chúng yêu nghệ thuật, Công ty Tuần Châu Hà Nội đã phối hợp với đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam để sáng tạo nên tác phẩm Tinh hoa Bắc bộ.
Cho đến nay, với những bằng chứng đưa ra từ phía đạo diễn Việt Tú và Công ty DS, đa phần giới chuyên môn đều cho rằng, Tinh hoa Bắc Bộ vi phạm bản quyền đối với tác phẩm Ngày xưa là điều khó chối cãi.
Khó phát triển chuyên nghiệp
Ở các lĩnh vực khác, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn biến phức tạp. Mảng âm nhạc, những tranh chấp bản quyền vẫn liên tục diễn ra. Có thể kể đến vụ việc giữa nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung tố Sky Music - một đơn vị có tiếng trong lĩnh vực cung cấp bản ghi có bản quyền âm nhạc, đã xâm phạm bản quyền hơn 100 ca khúc của anh.
Phía ca sĩ Mỹ Tâm mới đây cũng đã có những phản ứng quyết liệt trước sự vi phạm bản quyền của 2 nhà mạng lớn nhất nước là Viettel và Mobifone với số tiền đòi bồi thường lên đến hàng tỷ đồng.
Chương trình truyền hình The Debut cũng dính lùm xùm liên quan đến tiết mục biểu diễn của thí sinh Trần Văn An khi thể hiện ca khúc có nhiều điểm tương đồng với That XX (G-Dragon) và Instagram của ca sĩ DEAN.
Điển hình việc sử dụng vai diễn, chi tiết trong trích đoạn của Má ơi, tía Dzìa! của Sân khấu kịch Idecaf trong tiết mục dự thi của diễn viên Gia Bảo trong chương trình Sao nối ngôi.
Chỉ đến khi nghệ sĩ Thành Lộc lên tiếng chỉ trích thì Gia Bảo mới vội vàng… xin lỗi.
Nhưng cũng chỉ thời gian ngắn sau đó, chính Gia Bảo lại một lần nữa phạm lỗi khi dựng lại vở Đời cô Lựu nhưng không hề xin phép NSND Huỳnh Nga và gia đình ông.
Hay như mới đây, nhóm cà phê kịch Đời cũng bị phản ứng vì vô tư dàn dựng chuyển thể sang kịch từ các vở kinh điển Bên cầu dệt lụa, Tô Ánh Nguyệt…
Hay chương trình Thử tài siêu nhí phát sóng trên truyền hình có tiết mục cải lương Sóng gió cuộc đời do nghệ sĩ Bình Tinh dàn dựng, kịch bản chuyển thể từ phim Lô tô của nhà sản xuất Ngân Hà.
Tại tiết mục Sóng gió cuộc đời đã sử dụng hình ảnh, tên gọi nhân vật, nội dung câu chuyện trong bộ phim điện ảnh Lô tô, thế nhưng người dàn dựng cũng như đơn vị sản xuất chương trình chưa xin phép chủ sở hữu phim Lô tô.
Thí sinh Minh Dự trong chương trình Cười xuyên Việt 2017 cũng “mượn” kịch bản Lô tô để dàn dựng tiết mục Lô tô cùng bolero mà cũng không hề có nửa lời xin phép chủ sở hữu tác phẩm.
Theo một chuyên gia, sở dĩ, tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng tràn lan chính là nhận thức của các nhóm đối tượng trong xã hội về vấn đề này chưa đầy đủ.
Cụ thể, để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm, tác giả, nghệ sĩ cần có tiếng nói bằng văn bản gửi đến tòa án hoặc các cấp có thẩm quyền, bởi nếu không sẽ không có cơ sở để giải quyết.
Có lẽ vì vậy mà vụ kiện của đạo diễn Việt Tú và Công ty Tuần Châu Hà Nội đang rất được dư luận trong giới chờ đợi, cũng như kỳ vọng có thể tạo ra những tác động góp phần làm thay đổi nhận thức của giới làm giải trí nói chung trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền lợi liên quan đến vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ.
Có thể nói, tình trạng thả nổi việc vi phạm bản quyền đã khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi rất nhiều cơ hội thu lợi nhuận. Nếu không làm tốt việc bảo vệ bản quyền, người sáng tạo sẽ không còn tâm huyết để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao, có khả năng chinh phục thị trường và trở thành những tác phẩm văn hóa mang lại nguồn lợi kinh tế lớn.
Và như vậy, ngành công nghiệp giải trí của chúng ta sẽ không thể phát triển một cách chuyên nghiệp, hội nhập với nền giải trí thế giới trong thời đại công nghệ đã xóa nhòa mọi ranh giới như hiện tại.