Thái độ của sinh viên
Trong buổi gặp mặt sinh viên, TS Nguyễn Hoàng Trung, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, chia sẻ sinh viên cần chủ động và linh hoạt tìm kiếm địa điểm thực tập, có môi trường va chạm thực tế để học hỏi và có những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc sau khi ra trường.
Khoảng thời gian 2 - 3 tháng thực tập là cơ hội tốt nhất để sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm, thực hành, vận dụng những lý thuyết đã học trên giảng đường, có thêm những kiến thức thực tế. Nhiều sinh viên tận dụng triệt để những tháng thực tập, coi đây là cơ hội để tiếp xúc, làm quen với công việc, coi nơi thực tập là “giảng đường 2” để cố gắng học hỏi. Thái độ tốt trong quá trình thực tập sẽ giúp sinh viên có được những kinh nghiệm quý báu, nhờ được nơi thực tập giúp đỡ, hướng dẫn tận tình. Anh Hồ Như Lai, nhân viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone miền Nam, tâm sự: “Nếu như thái độ muốn học hỏi tốt, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chỉ bảo. Vì chúng tôi cũng đã từng đi thực tập mà”.
Tuy nhiên, có không ít sinh viên coi thực tập là quãng thời gian để nghỉ ngơi, không hề có thái độ muốn học hỏi hay tích lũy kinh nghiệm. Các bạn đến với kỳ thực tập một cách đối phó: để có được 3 tín chỉ, để hoàn thành báo cáo thực tập, để ra trường đúng hạn. Thậm chí, có những sinh viên được người quen bảo lãnh nên mỗi tuần chỉ đến một buổi, khi hết kỳ thực tập thì nhờ người quen chứng xác nhận báo cáo để nộp nhà trường.
Anh Nguyễn Đình Ba (cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) khuyến cáo: “Không dễ để sinh viên có thể tìm được một nơi thực tập đảm bảo đúng chuyên môn theo học. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để được một đơn vị chuyên về cơ khí nhận vào thực tập. Các công ty đa cấp hiện nay rất nhiều, có tình trạng vòi tiền sinh viên để giới thiệu địa điểm thực tập tại các… “công ty ma”. Do đó, các bạn sinh viên cần cảnh giác khi tìm kiếm công ty thực tập trên internet”.
Gian nan tích lũy kinh nghiệm
Với các sinh viên học ngành sư phạm, thời gian thực tập đã giúp họ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế. Cô giáo Tú Nhi (cựu sinh viên Trường Đại học Đà Lạt) nhớ lại: “Trước khi ra trường, tôi thực tập ở một trường THPT, được các thầy cô giúp đỡ, hướng dẫn tận tình lắm. Nhờ 3 tháng thực tập, tôi có được kinh nghiệm đứng lớp, soạn giáo án, chủ nhiệm…, bây giờ đi dạy không bị bỡ ngỡ nhiều”.
Trong thời gian thực tập, sinh viên làm việc không lương, thậm chí bị bóc lột sức lao động. Cũng có trường hợp không được thực tập đúng với chuyên môn đã học. Bạn X.H. (Khoa Tài chính - Kế toán Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan) vừa thực tập tại một công ty thực phẩm, kể: “Những ngày tháng thực tập như sống trong địa ngục, đến công ty từ sáng sớm, có những hôm 1 giờ sáng mới về đến phòng trọ. Các nhân viên trong công ty chẳng ai muốn giúp đỡ mình, hỏi về nghiệp vụ thì họ tỏ vẻ khó chịu, không cho xem số liệu, chứng từ. Đi thực tập mà chỉ làm việc vặt như bưng nước, dọn dẹp. Nản lắm!”.
Còn bạn Kim Thùy (sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) vừa thực tập tại một công ty bất động sản, cho biết: “Theo thỏa thuận, một ngày mình chỉ phải viết 2 - 3 bài cho fanpage công ty thôi, nhưng thực tế mình phải viết đến 6 - 7 bài, thậm chí còn phải đăng lên hơn 30 diễn đàn. Áp lực lắm, mới hơn 2 tuần mà mình bị giảm mấy ký”.
Chị Nguyễn Thị Bưởi (cựu sinh viên Đại học Kinh tế) được Ngân hàng Tiên Phong nhận vào làm việc sau thời gian thực tập tốt tại đây, chia sẻ: “Đến nơi thực tập đừng thụ động đợi người khác giao việc, mà hãy chăm chỉ, mạnh dạn hỏi han, không ai giấu nghề đối với những người nghiêm túc học hỏi đâu. Những ngày đầu sẽ có khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng đừng vội chán nản mà phải cố gắng nhiều hơn. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đừng ỷ lại hay ngại khó, ngại khổ”.