Nghe thì có vẻ “tăng trưởng xanh” là một giải pháp hoàn hảo cho vấn đề nóng được toàn cầu quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy “tăng trưởng xanh” không phải là thuốc chữa bách bệnh như mọi người kỳ vọng. Một nhóm nhà khoa học người Đức của Viện Nghiên cứu Monika Dittrich đã đưa ra những nghi ngờ đầu tiên về “tăng trưởng xanh” vào năm 2012 dựa trên tính toán về sử dụng tài nguyên theo quỹ đạo tăng trưởng từ 2%-3%/năm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người (bao gồm cá, rừng, nhiêu liệu hóa thạch...) sẽ tăng từ 70 tỷ tấn/năm trong năm 2012 lên 180 tỷ tấn/năm vào năm 2050. Sau đó, Viện Nghiên cứu Monika Dittrich thử nghiệm lại với điều kiện tất cả các quốc gia trên thế giới đều nhất trí phải sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả (một giả định cực kỳ lạc quan) và con số là 93 tỷ tấn/năm. Trong khi đó, mức sử dụng tài nguyên bền vững cho phép là 50 tỷ tấn/năm - ranh giới mà loài người đã vượt qua từ năm 2000.
Năm 2016, một nhóm nghiên cứu khác cũng tiến hành một thử nghiệm với tiền đề rằng các quốc gia đều quyết tâm hành động vì hành tinh xanh. Với kịch bản hoàn hảo này, các nhà nghiên cứu giả định thuế carbon toàn cầu sẽ tăng từ 50 USD/tấn lên 236 USD/tấn, cùng với đó là công nghệ tiên tiến sẽ giúp việc sử dụng tài nguyên hiệu quả tăng gấp đôi. Kết quả không khác mấy so với nghiên cứu của Monika Dittrich, 95 tỷ tấn/năm.
Và mới nhất, vào năm ngoái, Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) - một cơ quan cổ vũ mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng xanh - đã thực hiện nghiên cứu với kịch bản thuế carbon ở mức 573 USD/tấn và các chính phủ trên thế giới ủng hộ mạnh mẽ sự đổi mới về công nghệ. Con số tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên đến năm 2050 “đáng nể” hơn - 132 tỷ tấn/năm.
3 nghiên cứu trên đã chứng minh một thực tế rằng: không thể tách rời tuyệt đối tăng trưởng với sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Nhiều năm qua, báo chí trên thế giới đã đưa ra rất nhiều báo động về tình trạng phá rừng, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, nhiều quần thể động, thực vật bị tàn phá - những cuộc khủng hoảng bị thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ, các xã hội hưởng thụ đang phá hủy sinh quyển Trái đất.
Nhiều chuyên gia trên thế giới như nhà kinh tế người Anh Daniel O’Neill đã kêu gọi cần một mô hình phát triển hoàn toàn mới, đề xuất áp dụng một quy định cứng rắn trên phạm vi toàn cầu về sử dụng tài nguyên, được các chính phủ thực thi nghiêm túc để đảm bảo rằng không khai thác tài nguyên quá mức, để tài nguyên được tái sinh an toàn. Ngoài ra, bỏ GDP như một chỉ số về sự thành công của kinh tế, thay vào đó là chỉ số tiến bộ thực sự (GPI) để phát triển cân bằng hơn.
Một số ý kiến phản bác rằng vậy kết thúc sự phát triển sẽ là đóng cửa các hoạt động sản xuất, rồi không có gì để sử dụng? Không phải như vậy. Trái đất đã cung cấp quá đủ cho tất cả con người sinh sống trên đó. Vấn đề là tài nguyên không được phân phối như nhau. Để cải thiện tình trạng hiện nay, đơn giản chỉ là chia sẻ mọi thứ công bằng hơn, không phải là “cướp bóc” Trái đất để có nhiều thêm.