Nhộn nhịp trên bến dưới thuyền
Hơn 25 năm qua, chị Hai Tú (Đồng Thị Tú) phải thức dậy lúc 2 giờ sáng, lui cui hoàn thành gánh tàu hũ nước đường nóng, để 4 giờ cùng chồng khởi hành đến bán ở một góc đường cặp bến Ninh Kiều. Nhà chị Hai Tú ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (gần cầu Quang Trung) nên cũng tiện di chuyển đến nơi bán. Từ 4 giờ 30, là lúc khách đi tập thể dục buổi sáng tấp nập ghé điểm bán của chị dằn bụng chén tàu hũ nóng.
Tôi kêu chén tàu hũ, ngồi chiếc ghế cóc bằng nhựa thưởng thức mà như được hòa vào nhịp sống sớm mai của bến Ninh Kiều. Một nhóm nữ trẻ cùng thưởng thức líu ríu bên chén tàu hũ. Đây là nhóm năng khiếu chơi môn boxing của TP Cần Thơ. “Tính tiền cô Hai ơi!”, một người trong nhóm boxing nói. Chị Hai Tú đáp: “Tụi con ăn nhiêu tự tính tiền đi”… Trong nhóm, có người lẩm bẩm đếm: “Một, hai… tổng cộng 9 chén là bốn mươi lăm ngàn nghe cô”. Nhóm boxing rời khỏi quán, trên tay một cô gái trong nhóm còn mang theo 3 ly tàu hũ nóng để về tặng thầy dạy.
Chị Hai Tú điểm danh vanh vách từng nhóm tập thể dục ở bến Ninh Kiều, nhóm tập đồng diễn theo điệu nhạc là nhóm người 60-80 tuổi, thứ bảy sẽ mặc đồng phục áo vàng. Nhóm nữ trẻ tập theo nhạc hip hop, chỉ xuất hiện vào chủ nhật kèm theo chiếc loa. Những người ngồi băng đá ăn tàu hũ phía bên kia đường, thường do anh Hai Tú bưng tiếp.
Bến Ninh Kiều tấp nập khách du lịch tham quan vùng sông nước |
Khi mặt trời nhô khỏi hàng cây ven sông, chiếu những tia nắng đầu tiên xuống sông Hậu cũng là lúc tấp nập khách Tây, khách ta đi bộ đến bến tàu du lịch. Chỉ một đoạn ngắn từ bến Ninh Kiều đến chợ Cần Thơ có 3 bến tàu du lịch với hơn 50 chiếc tàu. Ngày chủ nhật khách đông nghẹt xuống tàu, rời bến để tham quan chợ nổi Cái Răng.
Một nhóm khách nước ngoài đến bến tàu du lịch, thích thú ngắm dòng người đội nón tai bèo, ngồi trên tàu mặc áo phao. Họ bước xuống tàu, tất nhiên cũng mặc áo phao một cách rất hào hứng. Tàu du lịch đưa khách ra vào liên tục, tiếng máy tàu vang một góc sông nước bến Ninh Kiều. Đó cũng là lúc nồi tàu hũ nóng của chị Hai Tú đã cạn. Chị cẩn thận, xếp chồng chén màu xanh đậm cổ điển vào gánh hàng. Bước qua tuổi 50, chị Hai Tú vẫn giữ những chiếc chén bán tàu hũ đã mẻ miệng vì nét “cổ điển” đã theo mình hơn 25 năm qua.
“Bén duyên” cùng đất Tây Đô
Danh Quốc Cường là người Khmer, quê gốc ở U Minh (Cà Mau) đã quyết định lập nghiệp ở Tây Đô hơn 15 năm qua. Chỉ vừa bước qua tuổi 40 nhưng Quốc Cường đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi lập nghiệp ở TP Cần Thơ. Thi đậu vào Khoa Luật, ĐH Cần Thơ và ra trường năm 2014, anh chọn cách ở lại Trường ĐH Cần Thơ làm cán bộ quản lý sinh viên (nay bộ phận này thuộc Phòng Công tác sinh viên). Thời gian làm tại đây, anh tranh thủ học thêm tiếng Anh. “Tôi cảm thấy yêu mến cộng đồng văn hóa lúa nước đặc biệt ở vùng đất Tây Đô, nên quyết định lập nghiệp ở đây”, Quốc Cường nói.
Dành hết nguồn lực học tiếng Anh, Quốc Cường thi đậu vào một trường đại học ở Australia và lấy bằng thạc sĩ Khoa học xã hội. Rồi anh vào làm việc và giữ vị trí giám đốc kinh doanh cho Tập đoàn TATA International Ấn Độ, chuyên cung cấp thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, văn phòng tại Cần Thơ. Mới đây, Quốc Cường vừa lập doanh nghiệp riêng hoạt động về tư vấn du học, dịch thuật và dịch vụ giáo dục; đồng thời là giảng viên thỉnh giảng kỹ năng đàm phán cho Trường ĐH Nam Cần Thơ. “Từ yêu mến đất Tây Đô rồi kiên trì và đam mê công việc phục vụ, đóng góp và phát triển cộng đồng, chính những điều này giúp tôi vượt khó”, Quốc Cường tâm sự.
Cũng như Danh Quốc Cường, hơn 20 năm trước, anh Phan Quốc Bảo (quê ở miền Trung) vào đất Tây Đô lập nghiệp với một vị trí khá hot là Trưởng phòng Kinh doanh cho một trong những doanh nghiệp đầu tiên xây dựng khu dân cư sầm uất nhất đất Tây Đô.
Nay anh Quốc Bảo đã “ra riêng” khi lập doanh nghiệp chuyên cung cấp các thiết bị thông minh trang trí nội thất tại TP Cần Thơ và TP Phú Quốc. “Miền Tây là vùng đất mở, luôn niềm nở, hào sảng đón chào mọi người đến lập nghiệp. Chất Nam bộ dung dị hòa vào sự khẳng khái là nét đẹp của đất và người Tây Đô”, Quốc Bảo tâm sự.
Nghe hai chữ “khẳng khái”, tôi bất chợt nhớ một câu chuyện: Hôm ấy cùng ngồi với vài người bạn quê miền Trung ăn sáng ở quán Lúa Nếp ven sông Hậu. Một người bạn ở miền Trung kể, hôm qua ăn ở quán S.Đ, không biết quán có tính tiền nhầm không: “Một tô khổ qua với chả cá thát lát mà tính hơn hai trăm ngàn đồng”! Vậy là một người bạn gọi cho Hai Lợi, chủ hệ thống quán S.Đ. Chừng 15 phút sau, một em trai đến quán Lúa Nếp, gửi lại vị khách miền Trung hơn 150.000 đồng kèm theo lời xin lỗi: “Hôm qua khách kêu tô khổ qua chả cá mà phục vụ tính nhầm cái lẩu. Thành thật xin lỗi đã làm phiền anh!”. Vị khách miền Trung cười tươi.
“Tây Đô” đang chuyển mình để khẳng định vị trí là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tài chính…, là đô thị tạo động lực cho sự phát triển của miền Tây. Những ngày này, khi có dịp đi lại trong quận trung tâm Ninh Kiều đôi khi sẽ cảm thấy phiền vì bụi bay từ nhiều tuyến đường đang được đào xới, nâng cấp, sửa chữa. TP Cần Thơ đang mở rộng nhiều tuyến đường để đáp ứng sự phát triển của đô thị vùng sông nước.