Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần trở thành một xu thế mới và nhận thức của NTD về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh đã được nâng cao nhờ nền kinh tế ngày càng phát triển và mức sống người dân ngày càng được cải thiện. Chị Mai Thùy Chi (giáo viên dạy yoga, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, trước đây khi mua thực phẩm chị thường quan tâm tới 3 yếu tố về chất lượng, mẫu mã, giá cả, thì nay yếu tố đặt lên hàng đầu lại là sản phẩm đó có đảm bảo yếu tố xanh hay không. “Môi trường sống ngày càng thay đổi và chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua hành động cụ thể trong ăn uống, sinh hoạt. Do vậy, khi chọn thực phẩm tôi ưu tiên sản phẩm của thương hiệu uy tín, có dán nhãn xanh và sạch”, chị Chi cho biết.
Thực tế, kết quả điều tra về xu hướng tiêu dùng và kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố cũng cho thấy, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam đang dần phát triển thực sự về chiều sâu. Cụ thể, NTD không chỉ coi trọng các yếu tố cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà còn quan tâm nhiều đến yếu tố an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ, công dụng, tính năng sản phẩm hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng… Đặc biệt, với sản phẩm ở nhóm ngành như thực phẩm, đồ uống... yếu tố về an toàn sử dụng ngày càng được NTD quan tâm hơn trước.
Đáng chú ý, nhiều NTD tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng chi thêm đối với sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có ưu điểm về truy xuất nguồn gốc, thành phần tốt cho sức khỏe, đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường... Bên cạnh đó, có 43% NTD được khảo sát lo ngại vấn đề doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản, nguyên liệu không đảm bảo chất lượng. “Thói quen tiêu dùng đang có nhiều thay đổi. Sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19, ý thức về việc nâng cao sức khỏe của NTD ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn của NTD”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét.
Nhận thức sự thay đổi của NTD, các nhà bán lẻ tại Việt Nam đã đặc biệt chú trọng khâu kiểm soát đầu vào, ưu tiên cho sản phẩm của doanh nghiệp xanh và sản phẩm VietGAP, hữu cơ. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phần lớn từ các vùng sản xuất được công nhận chuẩn VietGAP, mỗi sản phẩm đều có mã QR giúp NTD có thể truy xuất nguồn gốc và quá trình vận chuyển sản phẩm.
Đơn cử, nhà bán lẻ Saigon Co.op ngoài danh mục sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, từ năm 2017 đã đưa vào kinh doanh 4 nhóm thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu với các sản phẩm: gạo Jasmine, Japonica, dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống, phi lê cá basa và tôm sú. Các loại thực phẩm không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản và thành phần biến đổi gen.
Theo Saigon Co.op, đơn vị sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, nhân rộng điểm bán và phát triển thêm danh mục sản phẩm hữu cơ theo đúng nhu cầu của thị trường, hướng tới trở thành đơn vị dẫn đầu trong chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng sản phẩm organic tại thị trường Việt Nam và hướng đến xuất khẩu.
Các chuyên gia cho biết, khi thị trường cạnh tranh gay gắt thì việc xây dựng lòng tin nơi khách hàng, minh bạch thông tin, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là yếu tố tạo ra lợi thế để tăng trưởng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giúp doanh nghiệp có vị trí vững vàng trên thị trường, còn NTD được sử dụng những sản phẩm chất lượng với giá tốt hơn.