Bếp ăn tập thể cần giấy VietGAP để đối phó
Mới đây, tại buổi giới thiệu sản phẩm VietGAP đến các trường học (do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức), trong khi các HTX nông nghiệp sản xuất theo VietGAP phản ánh khó có thể đưa sản phẩm vào bếp ăn tập thể của trường học, thì đại diện nhiều trường lại khẳng định thực phẩm cung cấp các bếp ăn đều có giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP!
Trong khi đó, việc ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, nhất là ở trường học, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Huỳnh Trang (quận 10, đang có con học lớp 2) cho biết, trẻ em học bán trú có 2 buổi ăn và chi phí tiền ăn đóng hàng tháng không phải là thấp.
“Khi họp phụ huynh, chúng tôi đều đề cập với giáo viên chủ nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm cho các em. Nhưng chúng tôi không thể biết điều phản ánh đó có đến tai các nhà kinh doanh bếp ăn hay không và việc kiểm soát như thế nào. Nếu thực phẩm bẩn âm thầm xâm nhập vào cơ thể con người qua từng bữa ăn, dần dần tích tụ chất độc, sẽ là nguy cơ tiềm ẩn nhiều loại bệnh sau này, đặc biệt là ung thư”, chị Trang nói.
Rau VietGAP của HTX Phú Lộc khó tiếp cận với bếp ăn tập thể trường học
Theo ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong, từ trước đến nay rất khó đưa sản phẩm vào được với bếp ăn tập thể của các trường. Heo được nuôi theo tiêu chuẩn châu Âu, trong môi trường nhà lạnh, hệ thống cho ăn uống hoàn toàn tự động, đảm bảo cho thịt heo đạt chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, HTX còn có những sản phẩm từ thịt heo đạt chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói bao bì như giò, chả, lạp xưởng, xúc xích… Nếu có thể cung cấp cho bếp ăn tập thể thì HTX sẽ phát triển thêm xã viên nhằm quản lý được hoạt động chăn nuôi, tránh phát triển tràn lan.
HTX Bò sữa Tân Thông Hội vừa mới khánh thành nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi với công nghệ máy móc hiện đại nhập từ nước ngoài, sản xuất các sản phẩm sữa chất lượng ổn định, dinh dưỡng cao, góp phần đa dạng hóa việc cung cấp các sản phẩm sữa cho thị trường, nhất là cho các trường học. Các sản phẩm được chế biến từ 100% sữa bò tươi nguyên chất, gồm: sữa tươi thanh trùng có đường, không đường (dạng chai và hộp), sữa chua ăn, sữa chua uống và sữa tiệt trùng.
Hiện nay, nhiều sản phẩm từ sữa bột hoàn nguyên (sữa bột nhập khẩu về, bổ sung vi chất làm thành sữa nước) trên thị trường không thể so sánh về chất lượng với sữa bò tươi nguyên chất của HTX. Toàn bộ sản phẩm có giấy chứng nhận hợp quy và có giấy chứng nhận của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM.
Tương tự, HTX Rau an toàn Phú Lộc cho rằng, nếu ký hợp đồng với các bếp ăn tập thể của trường học thì đôi bên sẽ cùng có lợi: HTX cung cấp sản phẩm với giá bán luôn ổn định, cho dù thị trường giá lên xuống thất thường; trường học cung cấp thực đơn hàng ngày theo tháng, để HTX chủ động gieo trồng đúng ngày thu hoạch, nhưng việc tiếp cận hiện nay quá khó khăn.
Mặc dù HTX bán theo giá sỉ nhưng các bếp ăn tập thể trường học yêu cầu phải bằng hoặc rẻ hơn giá đang mua nơi khác. Vì điều này nên không thể thương lượng được. Thực tế, nhiều bếp ăn tập thể mua sản phẩm trôi nổi ngoài thị trường không rõ nguồn gốc, thậm chí có khi là hàng ế, hàng dạt để có giá rẻ. Vì sức khỏe học sinh, các trường học cần quản lý bếp ăn tập thể để kiểm soát nguồn nguyên liệu cung cấp, tránh trường hợp có giấy chứng nhận VietGAP lại thực chất là mua sản phẩm trôi nổi.
Trong một cuộc giám sát chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, HTX nông nghiệp Phước An cho hay nhiều bếp ăn tập thể lấy sản phẩm của HTX chỉ nhằm mục đích có chứng nhận VietGAP, lấy được vài tháng thì ngưng hợp đồng.
HTX tìm hiểu nguyên nhân thì được biết các bếp ăn tập thể sau khi có được chứng thực giấy đạt chứng nhận VietGAP dùng để ký hợp đồng với các trường học, sau đó đã lấy các sản phẩm mua trôi nổi với giá rẻ hơn.
Tương tự, một nông dân (xin giấu tên) sản xuất VietGAP ở huyện Củ Chi cũng bức xúc cho biết: “Năm ngoái tôi ký hợp đồng với một bếp ăn tập thể cung cấp cho nhiều trường học, nhưng nơi này chỉ lấy số lượng sản phẩm rất ít để “duy trì” giấy chứng nhận VietGAP, còn lại thì trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc. Sau khi phát hiện vấn đề này, tôi đã ngưng hợp đồng. Cần có biện pháp chế tài nghiêm ngặt đối với kiểu kinh doanh doanh “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, vì hám lợi mà xem nhẹ sức khỏe của cộng đồng”.
Bắt buộc phải lấy thực phẩm “sạch”
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, an toàn thực phẩm học đường là vấn đề quan trọng nên hàng năm sở đều tổ chức hội nghị giữa đơn vị sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với các trường học, bếp ăn tập thể, nhưng vẫn chưa thể kết nối. Khó khăn chủ yếu là giá, các bếp ăn tập thể luôn đòi hỏi lấy giá thấp hơn giá bán sỉ.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, hiện địa bàn TP có hơn 2.820 cơ sở làm dịch vụ nấu ăn cho các trường học. Năm 2012, 2013 thì không có ngộ độc thực phẩm trong trường học; năm 2014 xảy ra 1 vụ với 97 học sinh; năm 2015 có 1 vụ với 65 học sinh; năm 2016 có 2 vụ với 127 học sinh; năm 2017 là 2 vụ với 26 học sinh.
Nguyên nhân gây ngộ độc phần lớn do bếp ăn tập thể sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa giám sát kỹ chất lượng thực phẩm đưa vào chế biến.
Việc sử dụng chất cấm, kháng sinh, hóa chất không được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất kích thích tăng trưởng trong một số sản phẩm nông nghiệp… đã làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, chưa có sự giám sát thường xuyên trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn, cơ sở chế biến suất ăn sẵn.
Sở GD-ĐT TPHCM cho biết đang phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm triển khai thí điểm tại quận 3 và quận 5. Sở này khuyến khích các bếp ăn tập thể cung cấp thức ăn cho trường học sử dụng nguồn hàng của các cơ sở nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đạt HACCP, VietGAP, GlobalGAP… Trong năm học tới (2018-2019), sở sẽ có quy định về việc trường học bắt buộc phải lấy sản phẩm đạt các chuẩn trên.