Ý thức về sản xuất thực phẩm sạch đã “thấm” vào các nhà sản xuất, từ đó dần hình thành văn hóa tiêu dùng sản phẩm an toàn trong cộng đồng.
Ngày 16-5-2013, lần đầu tiên Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) ký hợp đồng với 16 cơ sở, HTX sản xuất rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) nhằm cung cấp sản phẩm dài hạn cho hệ thống siêu thị Co.opMart. Đổi lại, phía siêu thị sẽ tạo một khu trưng bày riêng cho sản phẩm VietGAP, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn.
Ngày 16-5-2013, lần đầu tiên Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) ký hợp đồng với 16 cơ sở, HTX sản xuất rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) nhằm cung cấp sản phẩm dài hạn cho hệ thống siêu thị Co.opMart. Đổi lại, phía siêu thị sẽ tạo một khu trưng bày riêng cho sản phẩm VietGAP, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn.
Chỉ sau một năm triển khai thí điểm, sức mua hàng VietGAP tại các chi nhánh Co.opMart đã tăng hơn 100%, đòi hỏi đơn vị tiếp tục mở rộng sang các mặt hàng khác như thịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến. Điều này đồng nghĩa, các loại rau mới chỉ đạt chuẩn an toàn tại hệ thống siêu thị này cũng dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho hàng VietGAP. Hàng loạt các hệ thống siêu thị khác trên địa bàn TPHCM như BigC, Vinmart, Metro, Citimart... cũng tự động chuyển hướng kinh doanh các sản phẩm VietGAP, mở ra hướng đi hoàn toàn mới cho ngành nông nghiệp tại TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành có vùng nguyên liệu chuyên cung ứng cho các chuỗi siêu thị của TP nói chung.
Đến ngày 7-12-2015, Sở Công thương TPHCM chính thức công bố hệ thống 246 điểm bán hàng thực phẩm được công nhận Chuỗi thực phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Nhóm các mặt hàng được đưa vào chuỗi chủ yếu là rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Đến nay, số lượng các điểm bán thực phẩm được công nhận hiện đạt gần 400 điểm, với 50 DN sản xuất tham gia chuỗi.
Tiếp nối, ngày 16-12-2016, Đề án Quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo chính thức được triển khai. Đến nay, số lượng heo có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc từ trang trại, cơ sở giết mổ đến chợ đầu mối khoảng 7.500 - 8.000 con/ngày. Riêng tại hệ thống phân phối hiện đại, 100% sản lượng heo bán ra cũng đã được truy xuất nguồn gốc, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.
Đối với mặt hàng thịt và trứng gia cầm, TPHCM cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc kể từ ngày 3-10-2017 tại tất cả hệ thống phân phối trên địa bàn TP, với hơn 1.749 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm đã đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhìn lại chặng đường gầy dựng và phát triển của chuỗi thực phẩm sạch, đằng sau thành công là nhiều giọt mồ hôi, kể cả nước mắt của những người thực hiện. Nhiều cuộc “lên rừng, xuống biển” của đồng chí Nguyễn Thị Hồng, khi đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng các sở, ngành để tiến hành khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc cho các DN, HTX. Đi theo đó là hàng loạt buổi hội thảo “đầu bờ” được triển khai để đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm để có thể nhân rộng mô hình nuôi trồng theo chuẩn VietGAP trên địa bàn TPHCM, cũng như tại các tỉnh có lợi thế trong việc cung ứng nguồn hàng như Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An…
Là người theo dõi, chúng tôi khó có thể quên hình ảnh của Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa trong vòng vây của các thương lái và cuộc đối chất nảy lửa trong đêm khuya tại chợ đầu mối Bình Điền về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng thịt heo. Ông Hòa cùng với các cộng sự của mình đã có hàng chục buổi làm việc với các sở, ngành của các tỉnh, thành, thực tế tại nhiều trang trại để tập huấn về đề án.
Để nhân rộng phong trào sản xuất và tiêu dùng thực phẩm sạch, điều quan trọng là cần có sự định hướng, hỗ trợ DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu sự khác biệt về đặc tính kỹ thuật, chất lượng đối với sản phẩm nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn so với những sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường. Bởi thực chất của vấn đề an toàn thực phẩm sẽ được giải quyết tốt nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội; từ nhà quản lý, người sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng đều phải đồng lòng thực hiện với mục tiêu giữ gìn sức khỏe của mỗi người và của cả giống nòi tương lai.