Món quê đắt hàng
Dạo buổi chợ sớm, chị Trần Thị Trang (40 tuổi, ngụ 3, TPHCM) mừng rơn phát hiện rổ nấm mối tươi ngon còn lấm lem bùn đất trong quầy rau ở chợ Vườn Chuối. “Món này phải đi buổi chợ sớm và lâu lâu mới có, chứ không phải có tiền là mua ngay được. Bây giờ bắt đầu vào mùa mưa, nấm mối nhú mầm nhưng số lượng không nhiều. Mua được món ăn quê ngon, bổ, cảm giác phấn khởi vô cùng”- chị Trang cho biết.
Tại nhiều chợ ở TPHCM như Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh); Bến Thành, Tân Định (quận 1)..., các loại rau xanh um mảnh dẻ chấm với mắm kho, ăn hoài không chán. Rau đắng đất tươi non, cơn mưa như pha loãng bớt vị đắng, giòn hơn, ngọt hậu, chấm với cá kho tộ thì còn gì bằng. Rau đọt choại xoắn xéo như đá vào nhau, ăn mát miệng… Các loại rau chùm ngây, bình bát, chùm bao, khổ qua rừng, măng tre/trúc… tự nhiên cũng về nhiều ở chợ, cửa hàng đặc sản. Rau dại quê bán theo từng mớ, mỗi bó 15.000-50.000 đồng/mớ, tùy theo độ lớn nhỏ.
"Chợ quê bày bán các loại rau, quả dân dã, bánh trái đã chế biến. Nhà nào có quà bánh, cây trái trồng được thì đem ra trao đổi, mua bán ở chợ. Các sản phẩm được bày bán ở đây đều đảm bảo nguồn gốc tự nhiên, không phun thuốc, không chất hóa học". Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, quản lý phiên chợ quê |
Hàng quê lên mạng được xem là nghề tay trái của nhiều chị em công sở. Giới kinh doanh nhỏ lúc đầu chỉ tưởng làm ăn cò con, kiếm thêm đồng ra đồng vào cho vui, nhưng không ngờ thu nhập còn cao hơn lương chính. Chị Thanh Nga (nhân viên truyền thông một công ty ở quận 1, TPHCM) bộc bạch: “Quê mình ở Đắk Lắk, cứ tới mùa cây trái ngon là mình nhờ người nhà mua rồi gửi xe xuống Sài Gòn. Từ bơ sáp, khoai lang mật, mật ong… đủ các loại. Lúc đầu tặng bạn bè, sau có nhiều người hỏi mua nên mình quyết định bán hàng online. Mẹ mình cũng không cần phải đem sản phẩm ra chợ bán mà gửi xe lên trong ngày, hàng tươi ngon, khách lại đặt trước nên không bao giờ có hàng tồn”.
“Sân chơi” cho khách hàng trẻ tuổi
Sáng chủ nhật mỗi cuối tuần, phiên chợ quê (số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM) lại bày những món hàng xinh xinh, độc lạ từ rau củ, hoa trái đến chiếc áo dài lụa “hiếm có, khó kiếm”. Nâng niu trái thanh trà nhỏ xíu bằng ngón tay út, chị Hoàng Mai (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bồi hồi: “Đây là món ăn gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của mình khi còn ở An Giang. Có chồng về thành phố, mỗi lần đến mùa thanh trà, vẫn thấy người bán bên đường nhưng trái to, lo phân thuốc nên có thèm cũng chẳng dám mua. Từ lúc biết chợ quê này, gặp lại những món quà quê, với tôi như gặp lại tri kỷ”.
Chợ còn có riêng những góc bày bán đồ mây tre lá, lụa Mã Châu hay áo dài cho người lớn, trẻ nhỏ. Còn có mấy đôi guốc mộc đủ màu, mấy bó đũa tre quen thuộc hay đồ dùng bằng gỗ đơn sơ. Có cả một sạp chuyên bán sách cho các bà mẹ và các em nhỏ. Sách cũ, mới đủ loại nhưng phần lớn là sách văn hóa, giáo dục. Vào những dịp lễ tết, chợ còn tổ chức chương trình dạy làm tò he, xếp lá dừa, làm tranh gạo; khi lại nghe nhạc cổ, tìm hiểu nghề gốm của đồng bào Chăm; xuôi về miền Trung nghe kể về nghề dệt lụa; tìm hiểu về áo dài từ xưa đến nay…
Phiên chợ xanh của Hội hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) cũng là sân chơi của nhiều bạn trẻ yêu nông nghiệp sạch. Các đặc sản quê từ Đà Lạt, Lâm Đồng, Lào Cai… mỗi cuối tuần lại tụ nhau hội họp, bán mua. Chợ “nói không” với túi nilon. Rau củ gói trong lá chuối, cột bằng dây lạc… Qua tìm hiểu được biết, người bán - mua thực phẩm quê chủ yếu giao dịch với nhau bằng niềm tin là chính, chứ chưa được cơ quan kiểm định chất lượng như hàng hóa bày bán trong siêu thị.
Các hộ kinh doanh hàng đặc sản nhà quê chủ yếu mang tính tự phát, có gì bán nấy nên chất lượng sản phẩm mang tính may rủi, không đồng đều. “Đây chính là kẽ hở cho hàng trôi nổi, kém chất lượng trà trộn tới tận tay người tiêu dùng. Lời cảnh báo ở đây chính là, hãy mua hàng của những người thân quen; mua sản phẩm nơi uy tín, có xuất xứ…” - đại diện các cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn về sinh thực phẩm TPHCM nhìn nhận.