Chủ đề này phù hợp với sự phát triển của nghiên cứu và thực hành dinh dưỡng được thảo luận tại chương “Chế độ ăn uống và dinh dưỡng của chúng ta” trong Báo cáo Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc.
Trong đó, báo cáo nêu bật sự thay đổi từ việc chỉ tập trung vào việc sản xuất nhiều thực phẩm hơn để cung cấp calo sang thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh bền vững giải quyết mọi hình thức suy dinh dưỡng, đồng thời giải quyết vấn đề bền vững về môi trường. Cách tiếp cận này đóng vai trò trung tâm trong việc hiện thực hóa quyền được ăn uống.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, tính đến năm 2022, khoảng 35,4% dân số toàn cầu, tương đương với 2,8 tỷ người, không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập thấp lên tới 71,5%, chênh lệch rõ rệt so với mức 6,3% ở các quốc gia thu nhập cao.
Tỷ lệ người dân ở châu Phi không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh là 64,8%. Ở châu Á, con số này là 35,1%; ở Mỹ Latinh và Caribe là 27,7%; ở Australia là 20,1%; ở Bắc Mỹ và châu Âu là 4,8%. Ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp, số người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh đã tăng từ năm 2019 đến năm 2022.
Đây là kết quả phản ánh cách phục hồi kinh tế sau đại dịch được chia sẻ không đồng đều và cách các nền kinh tế tiên tiến hơn có vị thế tốt hơn để đối phó với các cú sốc chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát trên toàn thế giới đối với giá hàng hóa thực phẩm.
Báo cáo Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc ước tính để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 2 (Zero hunger - không còn nạn đói) sẽ cần khoảng 77 tỷ USD, tức chưa đến 1% GDP toàn cầu. Theo đó, một trong những ưu tiên hàng đầu là phải thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu tài trợ cho an ninh lương thực, dinh dưỡng và thực tế huy động tài trợ.
Ngoài ra, cần huy động nguồn lực đáng kể cho việc triển khai các chính sách, điều luật và biện pháp can thiệp để sớm chấm dứt nạn đói cũng như đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng và chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng. Các nguồn lực tài chính này là khoản đầu tư cho tương lai mà các chính phủ, các tổ chức và cơ quan hữu quan có nghĩa vụ phải thực hiện.