Chưa bao giờ thị trường TPCN lại nhộn nhịp như thế này. Nhiều loại TPCN thu hút người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm giúp cơ quan nội tạng khỏe; giảm tác hại từ bia, rượu và thuốc lá; sản phẩm làm đẹp như trắng da, giảm cân, tăng cân, chống rụng tóc...
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN thuê đội ngũ chuyên dạo trên các diễn đàn mạng liên tục đăng bài viết, bình luận tích cực về sản phẩm đó để khách hàng tin và mua. Họ còn thuê bác sĩ, dược sĩ làm đại sứ thương hiệu để PR cho sản phẩm. Có những doanh nghiệp TPCN tranh thủ việc được vinh danh cúp vàng, bằng khen của các hiệp hội để “đánh bóng” cho sản phẩm của mình.
Với tình trạng loạn TPCN như hiện nay, người tiêu dùng nên cân nhắc khi mua sử dụng. Đừng quá tin vào những chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng, mà hãy tìm rõ thông tin trước khi quyết định mua. Có thể nhờ bác sĩ uy tín tư vấn giúp. TPCN có giá không hề rẻ và việc lạm dụng có thể kéo theo những tác dụng phụ sau này. Các bác sĩ, dược sĩ làm đại sứ cho các thương hiệu TPCN nên kiểm nghiệm kỹ về TPCN đó trước ký quyết định ký vào hợp đồng. Hành vi đã biết về sản phẩm mình quảng cáo là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc mà vẫn cố tình quảng cáo với người tiêu dùng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người sử dụng thì đại sứ thương hiệu cũng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong vai trò đồng phạm của tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thực tế đang đòi hỏi pháp luật cần xây dựng những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với những người giữ vai trò đại sứ thương hiệu, để nâng cao trách nhiệm của họ trong việc rà soát, kiểm tra về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm trước khi quảng cáo cho cộng đồng. Các cơ quan chức năng cũng nên kiểm tra chặt chẽ mặt hàng TPCN, nhất là hàng nhập khẩu, vì hiện nay, thị trường TPCN có rất nhiều sản phẩm quảng cáo là hàng nhập từ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, nhưng thật ra lại đến từ Trung Quốc.