Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất một địa điểm tập kết hàng hóa tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng, phát hiện khoảng 10 tấn bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong số này có nhiều loại bánh kẹo được nhập lậu qua một số tỉnh biên giới phía Bắc.
Khủng khiếp hơn, lực lượng chức năng của Hà Nội cũng vừa phát hiện một xe tải trên địa bàn quận Hai Bà Trưng chở 10 tấn nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối. Qua kiểm tra, thực phẩm bẩn này được nhập lậu qua biên giới; sau đó, chủ hàng thuê phương tiện để vận chuyển vào nội địa, rồi chia nhỏ để bán ra thị trường vào dịp tết.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Đồng thời các địa phương cũng lập đoàn kiểm tra liên ngành 3 cấp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, các làng nghề, các cơ sở sản xuất, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, lực lượng chức năng cần kết hợp tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và chủ cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
“Chúng tôi đề nghị các đoàn kiểm tra nếu phát hiện các cá nhân, cơ sở vi phạm phải xử lý nghiêm, đồng thời công khai ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, và đề nghị cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, thì về phía người dân, cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, nâng cao ý thức đấu tranh tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Quan trọng hơn hết là phải làm thay đổi được ý thức của chính những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Cùng với đó, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm ở các cửa hàng uy tín, ưu tiên các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chỉ nên sử dụng các sản phẩm được chứng nhận an toàn, đã được kiểm định; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc.