Sản xuất theo hướng công nghiệp
Thông thường sản phẩm rau quả luôn có giá trị thấp, có đến 50% chi phí dành cho công lao động để sản xuất một sản phẩm rau quả đến người tiêu dùng. Để giảm chi phí chỉ có cách áp dụng công nghệ kỹ thuật cao để giảm thời gian, chi phí lao động, tổn thất trong chuỗi công nghệ sau thu hoạch.
Ngay từ khâu sản xuất phải thực hiện chuỗi công nghệ, gồm: thu hoạch, vận chuyển đến nhà máy, tiếp nhận, vận chuyển băng tải, làm sạch, phân loại, sơ chế - xử lý, bao gói, dán nhãn, bảo quản, chế biến, vận chuyển, phân phối lẻ và sử dụng.
Hiện nay có các công nghệ chủ đạo như Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, tự động hóa…
Theo các chuyên gia Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, các thiết bị cảm biến có thể theo dõi các nguyên liệu và chuỗi sản xuất một cách nhất quán, chất lượng đầu ra đồng đều, sản phẩm có giá trị cạnh tranh, chi phí lao động thấp. Đơn cử, nhiều quốc gia đã dùng robot trong khâu thu hoạch ở nông trại, nhờ vậy rau quả đạt đúng chỉ số chất lượng tối ưu (kích thước, độ cứng), không bị hư hỏng và giảm chi phí lao động.
Ngoài ra, robot còn giúp kiểm soát vi sinh vật gây bệnh, các loại virus, nấm hoặc vi khuẩn. Tương tự, trong phân loại sản phẩm, máy móc cũng chính xác hơn trong việc thực hiện các hoạt động.
Đối với khâu vận chuyển, có thể sử dụng công nghệ vận tải sử dụng điều khiển bầu khí quyển, bằng việc cấp ozone liên tục ở nồng độ thấp vào các thùng chứa trong kho lạnh để kiểm soát quá trình chín, ngăn ngừa bệnh hại và tăng cường an toàn thực phẩm.
Nhận định về vấn đề này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) xác định phương pháp trên sẽ kéo dài thời hạn sử dụng của nguyên liệu, giảm thiểu chất thải và duy trì chất lượng sản phẩm tươi trong quá trình vận chuyển tầm xa mà không sử dụng các hóa chất độc hại.
Cùng với đó, để bảo vệ người tiêu dùng, bao bì thông minh phải sử dụng các cảm biến hóa học hoặc sinh học có thể phân tích độ tươi, vi sinh, độ kín, khí CO2, O2, pH, thời gian và nhiệt độ từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Bao bì thông minh còn cho phép truy xuất và theo dõi vòng đời của sản phẩm.
Chuỗi quy trình “thông minh”
Nhà máy thông minh có thể chuyển đổi dần theo hướng công nghệ tự động hóa và trao đổi dữ liệu như tương tác giữa con người - công nghệ, giữa thiết bị - thiết bị. Hệ thống này bao gồm robot và hệ thống tự động sử dụng các cảm biến để thực hiện và đưa ra các quyết định không có sự can thiệp của con người.
Theo Bộ NN-PTNT, nhiều nước đang chú trọng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thực phẩm thông minh, đó chính là sự tương tác giữa thiết bị và thiết bị, tập trung vào cảm biến, thông minh và bền vững. Trong nhà máy thông minh, ứng dụng robot trong công nghiệp thực phẩm có thể kể đến như chuyển miếng thịt bò đã nấu chín vào hộp bánh burger, chế biến tách các bộ phận của thịt gà, gắp cà chua ra khỏi hộp và đóng gói trứng...
Cùng với đó, nhà máy sản xuất thông minh quản lý đa dạng, giúp các dữ liệu được lưu trữ, truy xuất dễ dàng hơn thông qua mạng lưới không gian ảo. Theo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, công nghệ sẽ thu thập thông tin quy trình, hiệu suất thiết bị, nguồn cung cấp, đơn đặt hàng và thông tin tổng hợp dữ liệu lớn từ nhà cung cấp, nhà sản xuất và khách hàng trên toàn chuỗi cung ứng.
Việc thu thập dữ liệu một cách hiệu quả với mạng cảm biến trong chuỗi giá trị từ thu hoạch, tồn trữ, sơ chế và chế biến sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và tăng lợi nhuận; đồng thời giúp các nhà sản xuất đưa ra quyết định sáng suốt. Điều này làm cho khái niệm chia sẻ kinh tế trở nên thiết thực hơn trong sản xuất.
Do vậy, các doanh nghiệp nhanh chóng ứng dụng các kỹ thuật công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm thất thoát sau thu hoạch. Trong sản xuất chế biến, từng bước gia tăng ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao độ tinh chế và chất lượng sản phẩm, bước đầu có thể chú trọng một số mảng như: tối ưu hóa hậu cần trong và ngoài nước cho các nhà máy; kiểm soát phòng ngừa, giám sát sản xuất tự động; phát hiện nhanh và thu hồi sản phẩm lỗi, kết nối kỹ thuật số chuỗi cung ứng, ứng dụng các phương tiện kỹ thuật số hiệu quả trong lưu trữ tài liệu, kiểm định.
Xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện về ứng dụng công nghệ số để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản, thực phẩm Việt Nam theo chuẩn quốc tế, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn có thể xuất khẩu với số lượng và giá trị gia tăng cao.