Mục tiêu của việc truy xuất nguồn gốc là nhằm minh bạch thông tin, người tiêu dùng an tâm khi mua sản phẩm và người sản xuất cảm thấy trách nhiệm hơn với sản phẩm làm ra.Động lực cho người sản xuất Đầu năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM chính thức thực hiện thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả. Hai hợp tác xã (HTX) đi đầu là HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh) và HTX Thương mại dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi). Lúc đầu, sản lượng rau, củ, quả dán tem truy xuất nguồn gốc của 2 HTX trên vào khoảng 4 tấn/ngày, với 18 chủng loại. Trong đó, HTX Phước An có 12 sản phẩm (cải ngọt, cải xanh, cải thìa, mồng tơi, rau dền, rau muống, bồ ngót, rau lang, cần nước…); HTX Phú Lộc dán tem cho 8 hộ xã viên với 6 loại sản phẩm (khổ qua, bầu, bí, dưa leo, cải xanh, cải ngọt); cung cấp cho siêu thị Co.opmart, Big C, Aeon, Vinmart. Sau hơn 3 tháng triển khai thí điểm, tổng sản phẩm rau, củ, quả có dán tem của 2 HTX này có sản lượng 8 - 10 tấn/ngày, chiếm khoảng 60% sản lượng sản phẩm bán ra thị trường của 2 HTX. Phó Giám đốc HTX Phú Lộc, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, mặc dù việc thí điểm còn không ít vấn đề cần được khắc phục, nhưng cũng phải ghi nhận những điểm tích cực. Khi HTX Phú Lộc đưa đoàn nông dân sản xuất rau VietGAP (có dán tem truy xuất nguồn gốc) vào siêu thị bán sản phẩm của họ, bà con rất phấn khởi khi thấy tên mình trên sản phẩm (nếu thực hiện việc truy xuất trên điện thoại). Qua đó, người sản xuất cảm thấy có trách nhiệm hơn trong quá trình sản xuất. Phó Giám đốc HTX Phước An cho biết, việc thường xuyên giám sát của kỹ thuật viên cũng là động lực để người sản xuất phải thay đổi tập quán sản xuất nếu muốn tham gia, phải làm trách nhiệm để có chất lượng và giá bán tốt hơn.Cần tem quy chuẩn chung Tuy nhiên, việc thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc bước đầu cũng khá rối rắm. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, HTX Phú Lộc cung ứng từ 5 - 6 tấn rau có dán tem/ngày, với 16 chủng loại, cho hệ thống siêu thị Co.opmart, Lotte, Aeon… và một số đơn vị khác. Điều phức tạp là phải in mã tem riêng với số liệu, mẫu mã, màu sắc, kích thước khác nhau cho mỗi siêu thị; thời hạn sử dụng trên tem cũng khác nhau, làm mất nhiều công sức và thời gian. Giai đoạn đầu, việc dán tem tiến hành tại các điểm sơ chế của 2 HTX và do các HTX tự thực hiện theo kế hoạch sản xuất. Nhưng do các HTX thiếu điều kiện sơ chế và bảo quản lạnh, thời gian giao hàng và vận chuyển xa khiến sản phẩm cung cấp cho Co.opmart bị thất thoát cao, nên hiện nay, việc dán tem thực hiện tại điểm sơ chế của Co.opmart. Đại diện Co.opmart cảnh báo về tình trạng nếu quá tập trung vào việc in, dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc có thể dẫn đến việc lơ là chất lượng. Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Verified, việc dán tem phải thực hiện ngay tại nơi sản xuất, nhưng phải được giám sát chặt, tránh tình trạng đưa rau quả sản xuất chưa đạt VietGAP vào. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện bị rối vì quá nhiều thông tin trên tem cũng như kích cỡ khác nhau, trong khi con tem chỉ là dấu hiệu bảo chứng chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA), đề nghị cơ quan chức năng sớm ban hành những tiêu chí cơ bản chung về tem truy xuất nguồn gốc, dù là tem của bất kỳ công ty nào cung cấp, thị trường sẽ quyết định sự tiện dụng của loại tem nào. Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay mà các nhà chế biến đang làm cao hơn những quy định pháp lý chung về vấn đề này, cần được khuyến khích. Tuy nhiên, đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP sớm ban hành văn bản quy định về việc này, có thể là văn bản tạm thời để các đơn vị thực hiện. Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho rằng việc truy xuất nguồn gốc là điều kiện đủ, bên cạnh điều kiện cần vẫn là sản xuất an toàn. Thời gian tới sẽ khuyến khích tất cả các HTX và doanh nghiệp đủ điều kiện cùng tham gia. Tuy nhiên, việc mở rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc phải đi kèm với việc đảm bảo chất lượng và tính an toàn thực phẩm. Hiện nay, TPHCM có chính sách hỗ trợ lãi vay ngân hàng từ 60% - 100% để sản xuất, cũng như hỗ trợ 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong việc khuyến khích sản xuất theo VietGAP. Ngành nông nghiệp TP tiếp thu các ý kiến về việc quản lý nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ trang thiết bị, phần mềm, phương tiện truy xuất... để có phương án giải quyết từng bước trong việc mang đến nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, việc dán tem truy xuất nguồn gốc được thực hiện vào thời điểm người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin cao độ, nên các đơn vị cố gắng cung cấp thông tin nhiều nhất có thể. Vì mục tiêu của truy xuất nguồn gốc là minh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng an tâm và có sản phẩm rau quả an toàn, đồng thời người sản xuất thấy trách nhiệm hơn cũng như yên tâm hơn khi bán được sản phẩm. Hiện nay, người tiêu dùng đòi hỏi cao hơn so với các yêu cầu của Bộ NN-PTNT đặt ra.