Thực lòng gỡ khó cho doanh nghiệp

Buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có các nhà đầu tư, tập đoàn lớn, với lãnh đạo TPHCM mới đây đã để lại trong lòng người tham dự nhiều ấn tượng bởi sự sẻ chia, thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” cụ thể để cùng tháo gỡ. Đặc biệt hơn là sự trăn trở của lãnh đạo thành phố với mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Điểm nghẽn” đầu tiên là việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Điển hình là Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) gặp vướng mắc về việc hoàn thuế số tiền hơn 582 tỷ đồng.

Đã 3 năm trôi qua, công ty này làm việc nhiều lần với Cục Thuế TPHCM, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời hay hướng dẫn phương án giải quyết cụ thể. Tại buổi đối thoại nói trên, lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực II (trước đây là Cục Thuế TPHCM) cho biết đã hướng dẫn Công ty SEHC bổ sung các loại hồ sơ theo đúng quy định, nhưng phía đại diện công ty lại nói rằng... “thú thực không hiểu phải làm gì”!

Sau khi nghe trình bày, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị các cơ quan thẩm quyền phải giải quyết triệt để cho doanh nghiệp. “Có hoàn thuế hay không thì nói một câu, rõ thời hạn giải quyết. Đừng mời lên mời xuống mệt mỏi mà cuối cùng vẫn chưa rõ hướng đi ra sao”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Dẫn chứng “điểm nghẽn” thứ hai là chính sách về thuê đất. Cụ thể, năm 2017, Công ty CJ Foods Việt Nam mua lại 71,6% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến xuất khẩu Cầu Tre (thương hiệu khá nổi tiếng về giò chả, kim chi…), rồi đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre, tiếp quản hợp đồng thuê đất tại quận 6 và quận Tân Phú (TPHCM).

Thế nhưng, hơn 7 năm sau, tức là đến tháng 9-2024, công ty mới được hoàn tất việc cập nhật tên mới vào hợp đồng thuê đất với Sở TN-MT. Vì chậm trễ đổi tên nên công ty không được hưởng ưu đãi giảm 30% tiền thuê đất theo chính sách đối với doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19; cũng không được hưởng chính sách ổn định tiền thuê đất trong 5 năm, dẫn tới số tiền thuê tăng lên 130%...

Cùng với 2 “điểm nghẽn” trên, nhiều vướng mắc khác cũng được các doanh nghiệp, tập đoàn nêu ra tại buổi đối thoại và mong muốn chính quyền TPHCM hướng dẫn, giải quyết.

Trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, câu chuyện vướng mắc, tồn đọng trong thực thi các chính sách, quy định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp không phải mới. Mỗi lần gặp gỡ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ cũng như lãnh đạo TPHCM, nhiều doanh nghiệp lại phản ánh và đề nghị giải quyết thấu đáo. Nhưng thực tế cho thấy, việc đồng hành, tháo gỡ không thể chỉ dừng lại ở quan điểm hay lời khẳng định của lãnh đạo mà phải được thể hiện bằng hành động thực tế, từ người đứng đầu cho tới những người trực tiếp thực thi công vụ.

Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, phải khơi dậy động lực mạnh mẽ, khát khao vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngõ hầu đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số mà TPHCM đang hướng tới. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo TPHCM lắng nghe và quyết liệt tháo gỡ kịp thời vướng mắc để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được nhiều lần phát biểu, nhấn mạnh đến sự chủ động, linh hoạt trong xử lý công việc, chủ động thực hiện nhiệm vụ, tìm giải pháp, linh hoạt trong tham mưu xử lý; đồng thời yêu cầu lan tỏa tinh thần này từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng chuyên viên, từng cán bộ công chức của thành phố. Chỉ khi nào sự thấu cảm với nỗi khó của doanh nghiệp như chính khó khăn của mình thì lúc ấy mới trở thành sức mạnh thật sự đưa nền kinh tế tiến về phía trước.

Tin cùng chuyên mục