Theo hãng tin Kyodo, một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết Triều Tiên có thể đã phóng một số tên lửa vào sáng 22-3. Các tên lửa này đã được phóng từ một khu vực gần Wonsan, phía Đông Triều Tiên, vào lúc 7 giờ sáng (giờ địa phương), tức 5 giờ sáng (theo giờ Việt Nam).
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ thử tên lửa
Bình Nhưỡng tuyên bố lệnh cấm vận của LHQ vô hiệu lực
Hiện chưa rõ loại tên lửa Triều Tiên vừa phóng. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Tokyo chưa thể xác nhận Triều Tiên đã phóng tên lửa hướng đến Nhật Bản hay không. Trong khi đó, hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc nói rằng vụ phóng thử tên lửa trên của Triều Tiên đã thất bại.
Từ tháng 4 đến tháng 6-2016, Triều Tiên đã phóng 6 tên lửa tầm trung Musudan từ một khu vực gần Wonsan. Ngày 6-3 vừa qua, Bình Nhưỡng cũng đã phóng 4 hoặc 5 tên lửa đạn đạo Scud-ER, phiên bản cải tiến của tên lửa tầm ngắn Scuds có tầm bắn 500-700km, nhằm phản ứng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Những tên lửa này đã bay khoảng 1.000km và đạt độ cao 260km trước khi rơi xuống vùng biển gần Nhật Bản. Reuters dẫn lời các quan chức Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng không bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm cắt đứt quan hệ giữa Bình Nhưỡng với các định chế tài chính toàn cầu, nước này vẫn tăng tốc các chương trình tên lửa và hạt nhân. Theo ông Choe Myong-nam, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc (LHQ), Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và phát triển khả năng tấn công phủ đầu. Ông Choe cho rằng Nhà Trắng đang cố gắng ngăn chặn hoạt động phát triển vũ khí của Triều Tiên bằng cách ban hành lệnh cấm vận tràn lan. Ông Choe cũng chỉ trích những cuộc tập trận chung đang được tiến hành giữa Hàn Quốc và Mỹ, hành động mà Triều Tiên xem là một cuộc tập dợt xâm lược Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để thảo luận các hành động gần đây của Triều Tiên, bao gồm cả hai cuộc thử hạt nhân gần đây nhất. Ông Tillerson nói rằng, một lựa chọn quân sự đã được lên kế hoạch nếu Triều Tiên đe dọa các lực lượng Mỹ hay đồng minh.
Bí ẩn về công nghệ tên lửa của Triều Tiên
Theo ông Choe Myong-nam, tất cả những gì Ngoại trưởng Mỹ đề cập về hành động quân sự chống Triều Tiên đều liên quan đến lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc. Vì vậy, “Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng tốc toàn bộ các chương trình hạt nhân và tên lửa trước những hoạt động thù địch của Mỹ và Hàn Quốc”, ông Choe nói. Hôm 20-3, Triều Tiên đã đe dọa sẽ biến Mỹ thành “tro tàn” nếu họ bắn vào Bình Nhưỡng dù chỉ một viên đạn.
Triều Tiên được cho là đang phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công Mỹ. Trước đó, nước này đã tuyên bố phóng thành công các đầu đạn hạt nhân có thể gắn vào các tên lửa. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia tin rằng Triều Tiên vẫn còn cần thêm thời gian để có thể thực hiện được mục tiêu bắn tên lửa hạt nhân. Và vụ thất bại mới nhất có thể ít nhất là lần thứ 5. Ngoài những thất bại về tên lửa, Triều Tiên được cho là chưa thể phát triển vật liệu chịu nhiệt cần thiết để phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng tiến trình này đang có tiến bộ. Cuối tuần qua, Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa mà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố là “một bước đột phá trong công nghệ tên lửa”. Điều này chưa được các chuyên gia độc lập xác nhận.
KHÁNH MINH (tổng hợp)