Ngày 6-9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam – Lý luận và thực tiễn”.
Các ý kiến tại hội thảo nhận định, hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Lý do là bởi Quốc hội không trực tiếp thực hiện các chế tài, biện pháp cưỡng chế, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng chịu sự giám sát.
Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH chỉ có thể theo dõi, đôn đốc, đề nghị báo cáo kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.
Để nâng cao hiệu lực thực thi các kết luận, kiến nghị giám sát của Quốc hội, trước hết cần phân định rất rõ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị của đối tượng chịu sự giám sát, đặc biệt là đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về quy trình hậu giám sát, bao gồm trách nhiệm của chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát trong từng lĩnh vực cụ thể và chế tài xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các kết luận giám sát của Quốc hội hoặc báo cáo thiếu trung thực về nội dung giám sát.
Nhiều đại biểu kiến nghị, phải xây dựng cơ chế kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH. Các nghị quyết về giám sát cần xác định rõ trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát làm căn cứ cho việc giám sát thực hiện lời hứa, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Đặc biệt, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được nhiều ý kiến coi là biện pháp hữu hiệu nhất bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền lực của Quốc hội trong hoạt động giám sát, Quốc hội cần thực hiện triệt để công cụ này.