Thực hiện quy định EPR: Lời giải cho bài toán xử lý chất thải đô thị

Trong bối cảnh chất thải rắn sinh hoạt đô thị ngày càng tăng cao, ước khoảng 10%-16%/năm, quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) đối với tái chế, xử lý chất thải xuyên suốt vòng đời sản phẩm được xem là giải pháp quan trọng, góp phần giảm ngân sách nhà nước trong xử lý chất thải. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp (DN) đồng thuận tham gia vẫn còn nhiều việc cần làm. 
Xử lý chất thải rắn tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM
Xử lý chất thải rắn tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM

Còn nhiều băn khoăn

 Theo phản ánh của một số DN, quy định EPR là xu thế phát triển tất yếu. EPR chia sẻ gánh nặng của các bên trong quản lý chất thải, là cơ hội để DN tăng sức cạnh tranh, thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, môi trường. Song để triển khai thực hiện EPR, các DN vẫn còn nhiều băn khoăn.

Ông Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ, cho biết, công ty của ông chuyên sản xuất, gia công sản phẩm dầu nhờn, dầu mỏ cho các đối tác có nhu cầu. Như vậy, công ty ông hay đối tác phải chịu trách nhiệm thực hiện EPR? DN đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT) về việc giữa đơn vị sản xuất, gia công và đơn vị buôn bán trực tiếp sản phẩm, đơn vị nào sẽ phải thực hiện trách nhiệm EPR nhưng đến nay vẫn còn mơ hồ. 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc đối ngoại Công ty Coca-Cola Việt Nam, băn khoăn, theo Điều 79, Nghị định 08, Bộ TN-MT sẽ công bố các DN đủ điều kiện để thực hiện hỗ trợ tái chế, vậy khi nào thì bộ công bố để các DN có nhu cầu thuê tái chế tìm hiểu thông tin, bởi chọn được nhà đầu tư tái chế phù hợp với từng DN không phải đơn giản, cần cả một quá trình để tìm hiểu. Không chỉ Coca-Cola Việt Nam muốn biết thông tin về các DN tái chế mà rất nhiều công ty khác cũng mong muốn điều này. Công ty cũng lo ngại có thể gây ra ô nhiễm thứ cấp nếu thuê những cơ sở nhỏ lẻ, manh mún, không chuyên nghiệp thực hiện tái chế và khi hợp tác mà không đáp ứng yêu cầu công tác tái chế thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Bà Nguyễn Anh Thư, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam, tâm tư, theo dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, hoạt động thu gom, phân loại sản phẩm, bao bì phục vụ tái chế và hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề là quỹ này được sử dụng như thế nào, có sử dụng hết số tiền mà các DN đã đóng góp? DN mong muốn tất cả thông tin phải được công khai, minh bạch để tạo sự công bằng. 

Đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp

 Liên quan đến những vướng mắc mà DN đặt ra, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN-MT), cho biết, Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện EPR trong khi nhu cầu cấp bách cần phải giảm lượng chất thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái chế để giảm xung đột môi trường do ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng. Nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương. 

Trước đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi cách tiếp cận về EPR. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có 2 loại trách nhiệm: tái chế với sản phẩm, bao bì, áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải, áp dụng với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý. 

Cũng theo ông Phan Tuấn Hùng, hiện theo quy định của pháp luật, việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng mục đích. Việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải sẽ được công khai hàng năm trước ngày 31-3, có sự tham gia quyết định, giám sát bởi đại diện của các nhà sản xuất, nhập khẩu. Hiện nay đã có nhiều DN tham gia thực hiện EPR, nhưng cũng còn khá nhiều DN chưa tham gia do còn băn khoăn. Tuy nhiên, đây đã là yêu cầu bắt buộc đối với DN. Nếu DN không tham gia tái chế chất thải có thể bị xử phạt từ 1-2 tỷ đồng nếu không thực hiện xử lý chất thải. 

Bộ TN-MT khẳng định, thời gian tới, để yêu cầu các DN tham gia đầy đủ, một mặt Bộ TN-MT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để DN hiểu về EPR; DN có nhu cầu làm việc trực tiếp thì ban tổ chức sẵn sàng đến DN để tư vấn, tuyên truyền. Mặt khác, bộ và các đơn vị liên quan sẽ tiến hành chế tài đối với các DN không chủ động tham gia EPR.

Theo Bộ TN-MT, đối với loại trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (áp dụng với nhóm sản phẩm pin - ắc quy, điện - điện tử, săm lốp, dầu nhớt, phương tiện giao thông) và nhóm bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, xi măng): nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện tái chế từ năm 2024 trở đi và được lựa chọn một trong 2 hình thức: tự tổ chức tái chế (nếu nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn tự tổ chức tái chế thì có thể tự thực hiện tái chế hoặc thuê đơn vị tái chế) hoặc lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Nhà sản xuất, nhập khẩu đóng tiền theo định mức tái chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành (dự kiến ban hành trong năm 2023 và áp dụng từ ngày 1-1-2024). 

Đối với loại trách nhiệm xử lý chất thải (áp dụng với các nhóm sản phẩm: pin dùng một lần, tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá và sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp): nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm này từ năm 2022 bằng cách đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Mức tiền đóng góp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2022 của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục