![Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên họp chiều 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC 1-9688-9885.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/dudbexqdre/2025_02_12/1-9688-9885-5779-3215.jpg.webp)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện luật này.
Cơ quan thẩm tra nhất trí với Khoản 5 Điều 6 quy định một trong những nguyên tắc phân định thẩm quyền là bảo đảm Thủ tướng Chính phủ “không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách”.
Bởi lẽ cần phân định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách thành viên Chính phủ và tư cách người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên, quy định nêu trên chưa thực sự rõ và có thể gây ra cách hiểu khác nhau trong áp dụng pháp luật, do đó, ủy ban đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn để bảo đảm tính phù hợp, khả thi.
![Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), chiều 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về dự án Luật Tổ chức Chính phủ, chiều 12-2.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_12/bo-truong-bo-noi-vu-pham-thi-thanh-tra-trinh-bay-to-trinh-ve-du-an-luat-to-chuc-chinh-phu-chieu-12-2-7865-7917.jpg.webp)
Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với việc bổ sung quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, những nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền được thể hiện ở dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định thống nhất chủ thể nhận phân cấp ở địa phương và các nguyên tắc chung về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương.
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành nội dung chuyển tiếp tại Điều 32 của dự thảo luật để bảo đảm kịp thời giải quyết việc phân cấp, phân quyền đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Chính phủ xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Tuy nhiên, đối với cơ chế báo cáo Quốc hội về nội dung này, dự thảo luật chưa thống nhất với quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Vấn đề này qua thảo luận còn có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ngưng hiệu lực của quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được điều chỉnh bởi nghị định như quy định của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh xung đột trong áp dụng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận và thực thi pháp luật, tăng cường tính minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh, tránh các tranh chấp, khiếu kiện có thể xảy ra, nhất là các tranh chấp, khiếu kiện với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc thực hiện thủ tục này không phức tạp vì những quy định cần ngưng hiệu lực đều đã được liệt kê trong nghị định, hơn nữa, cũng đơn giản, thuận lợi hơn so với việc sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, nghị quyết, để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ quy định báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất như quy định của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), vì Quốc hội đã cho phép Chính phủ ban hành nghị định để điều chỉnh một số quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết trong thời gian chưa kịp sửa đổi, bổ sung các văn bản này và tại nghị định đã xác định rõ các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh, nghị quyết được áp dụng theo quy định của nghị định để người dân, doanh nghiệp nắm bắt, thống nhất thực hiện.
Việc yêu cầu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ngưng hiệu lực của các quy định có liên quan trong luật, pháp lệnh, nghị quyết sẽ làm tăng khối lượng công việc của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội. Hơn nữa, thay vì phải thực hiện thêm thủ tục này thì nên quy định Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
![Quốc hội chiều 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC Quốc hội chiều 12-2.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_12/quoc-hoi-chieu-12-2-1999-3998.jpg.webp)
Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), tờ trình Chính phủ nêu rõ, thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan của chính quyền địa phương, dự thảo luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính theo hướng: phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa HĐND và UBND; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân chủ tịch UBND.
Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như luật hiện hành. Theo đó, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Quy định này để bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội.
Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND các cấp, dự thảo luật cơ bản kế thừa các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND theo quy định của luật hiện hành và giao Chính phủ quy định khung số lượng phó chủ tịch UBND các cấp, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND và từng thành viên UBND; quy định rõ các nhiệm vụ của UBND phải thảo luận và quyết định tập thể; các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND được ủy quyền cho chủ tịch UBND thực hiện; quy định theo hướng mở rộng nhiệm vụ, thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND…
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra, chiều 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra, chiều 12-2.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_12/chu-nhiem-uy-ban-phap-luat-hoang-thanh-tung-trinh-bay-bao-cao-tham-tra-chieu-12-2-4989-4063.jpg.webp)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cho biết, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định của luật hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị. Việc trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian “tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới” trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp. Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp để thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Về cơ cấu tổ chức của UBND, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng giảm bớt số lượng thành viên UBND các cấp nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, đề cao vai trò và trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu UBND và cần bảo đảm nhất quán trong các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND ở cả 3 cấp.
![Phiên họp Quốc hội chiều 12-2. Ảnh: QUANG PHÚC Phiên họp Quốc hội chiều 12-2.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/aopaohv/2025_02_12/phien-hop-quoc-hoi-chieu-12-2-7017-3557.jpg.webp)
Về nguyên tắc hoạt động và chế độ làm việc của UBND, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tiếp tục quy định về nguyên tắc hoạt động của UBND như luật hiện hành song cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND, từng thành viên UBND. Một số ý kiến đề nghị, về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cơ chế hoạt động của UBND theo hướng là cơ quan hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng để đề cao tính chủ động và trách nhiệm của chủ tịch UBND, phù hợp với yêu cầu cải cách, đổi mới một cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đơn giản hóa nền hành chính.
Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ về thời điểm có hiệu lực thi hành của luật là từ ngày 1-3-2025 để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế theo yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị.