Sự việc 18 con tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ cho ngư dân tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên hạ thủy chưa được bao lâu đã bị rỉ sét, hư hỏng… làm dư luận rất bức xúc về trách nhiệm và vi phạm của các bên có liên quan. Xử lý các vi phạm này như thế nào và giải pháp khắc phục trong thời gian tới ra sao? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám để tìm hiểu rõ hơn những vấn đề có liên quan.
- PHÓNG VIÊN: Dư luận xã hội không thể chấp nhận sự việc 18 con tàu vỏ thép đóng mới để giúp ngư dân vươn khơi bám biển, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng vừa hạ thủy đã hỏng. Bộ NN-PTNT xử lý vi phạm này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
>> Thứ trưởng VŨ VĂN TÁM: Sự việc 18 tàu cá vỏ thép của ngư dân bị hỏng tập trung tại hai cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Bộ NN-PTNT đã yêu cầu tạm đình chỉ việc nhận đóng thêm tàu cá mới đối với hai cơ sở đóng tàu này để khắc phục sự cố, đồng thời yêu cầu phải có biện pháp chấn chỉnh để không vi phạm đối với các tàu đang được thi công.
Bộ NN-PTNT vừa thành lập tổ công tác cùng với UBND tỉnh Bình Định thực hiện kiểm định độc lập về các lỗi hư hỏng, trách nhiệm của các cơ sở đóng tàu và các đơn vị liên quan, đang chờ kết luận chính thức. Hướng xử lý là yêu cầu cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm khắc phục triệt để lỗi và trách nhiệm vật chất theo hợp đồng với chủ tàu, kể cả bồi hoàn thiệt hại về thu nhập cho chủ tàu trong thời gian tàu không thể đi khai thác được vì bị hỏng. Về khắc phục lỗi, nếu tàu bị rỉ sét do chất lượng thép thì cơ sở đóng tàu phải thay thép mới đúng theo thiết kế, nếu sử dụng máy cũ không chính hãng thì phải thay máy mới chính hãng...
- Vấn đề là làm cách nào để giám sát những cơ sở đóng tàu này?
Để tránh lặp lại bài học đáng tiếc này, giải pháp trong thời gian tới là ngoài việc giám sát của cơ quan đăng kiểm tàu cá thì nhà đầu tư, chủ tàu có thể thuê tư vấn giám sát độc lập và chi phí thuê tư vấn giám sát được tính vào tổng giá thành tàu. Đồng thời cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác đăng kiểm tàu cá, điều kiện của các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá.
- Theo Thứ trưởng, ngoài 18 con tàu đang gặp sự cố nghiêm trọng về chất lượng, những con tàu khác đã được cho vay đóng mới trong thời gian qua có đảm bảo chất lượng không?
Nghị định 67 của Chính phủ ra đời là chủ trương rất đúng đắn để giúp bà con ngư dân có được những con tàu công suất lớn, có trang thiết bị hiện đại, có thể bám biển dài ngày và tăng cường hiệu quả đánh bắt hải sản.
Trên thực tế thì hiện nay ở nhiều địa phương có nghề đi biển, những con tàu vỏ thép đã hạ thủy và hoạt động rất hiệu quả. Tính đến cuối tháng 5-2017, tổng số tàu cá đã và đang tiếp tục đóng mới, nâng cấp là 967 tàu trong đó có 666 con tàu đã hạ thủy và đi vào hoạt động. Trong số tàu đã đi vào hoạt động có 624 tàu khai thác hải sản và 42 tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt hải sản xa bờ. Trong số đó, đóng bằng vỏ thép là 297 tàu, vỏ gỗ là 347 tàu và vỏ composite là 22 tàu. Theo khảo sát thì đa số các tàu đều hoạt động đạt năng suất và hiệu quả, nhiều tàu đã trả nợ vốn và lãi cho ngân hàng. Sự việc 18 con tàu bị hỏng tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên là một sự cố đáng tiếc.
- Vậy hướng triển khai các nội dung của Nghị định 67 trong thời gian tới là như thế nào để không lặp lại những sự cố đáng tiếc?
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 67, trong đó có chính sách đóng mới tàu cá cho ngư dân vươn khơi bám biển, Bộ NN-PTNT đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển tổng rà soát các cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá để kiến nghị Bộ NN-PTNT đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không còn đủ điều kiện hoặc không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm nhằm thực hiện nghiêm quy định của Nghị định 67. Đặc biệt, các địa phương sẽ tổng kiểm tra rà soát số tàu vỏ thép, từ hợp đồng giữa cơ sở đóng tàu, chủ tàu, cơ quan giám sát đến phí thiết kế, chế độ bảo hành… Nếu địa phương nào phát hiện vi phạm phải chủ động xử lý, khắc phục như UBND tỉnh Bình Định đang làm để ngư dân yên tâm sản xuất.
Hiện nay Tổng cục Thủy sản là đầu mối quản lý nhà nước về hoạt động của tàu cá. Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản tổng kiểm tra các cơ sở đóng tàu trên cả nước, bao gồm cơ sở đóng mới, cải hoán và nâng cấp tàu cá. Để tránh sai phạm đáng tiếc xảy ra, sẽ ban hành quy định về tư vấn thiết kế và giám sát đóng mới hoặc nâng cấp tàu cá. Đặc biệt là phải chấn chỉnh công tác đăng kiểm tàu cá, xác định trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm và trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm tàu cá. Rà soát lại toàn bộ quy định về công tác đăng kiểm trong thời gian tới. Bộ NN-PTNT sẽ đề xuất sửa Luật Thủy sản theo hướng xã hội hóa công tác đăng kiểm.
- Tàu cá vỏ thép không phải được đóng từ nguồn tiền ngân sách hỗ trợ mà từ chính tiền vay của bà con ngư dân. Bây giờ tàu hỏng, sẽ tháo gỡ về chính sách tín dụng như thế nào thưa ông?
Để tháo gỡ khó khăn về vốn vay, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét kỳ thu nợ theo 6 tháng hoặc 1 năm thay vì thu hàng quý như hiện nay. Các ngân hàng thương mại xem xét việc khoanh nợ, giãn nợ cho ngư dân. Những trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, có thực tế là trong số 18 tàu cá bị hỏng thì có tới 16 tàu tại tỉnh Bình Định do Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đầu tư. Chúng tôi cũng đề nghị BIDV cần tự chấn chỉnh và xem xét tại sao các trường hợp tàu bị hỏng lại tập trung chủ yếu tại chi nhánh của BIDV.
Đối với trường hợp một số ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn giữ sổ đỏ của ngư dân, chúng tôi đề nghị ngân hàng thương mại chỉ sử dụng tài sản thế chấp đảm bảo vốn vay như quy định trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với những tàu cá đã đóng xong nhưng không được giải ngân, không thể vươn khơi vì vướng mắc về bảo hiểm, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo công văn 3412 và 6150 của Văn phòng Chính phủ, đồng thời tổng kiểm tra lại các đơn vị bảo hiểm để tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!