Ngày 14-5, Học viện Cán bộ TPHCM cùng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp bộ với chủ đề “TPHCM sau 1 năm thực thi nghị quyết 98 của Quốc hội”.
Thực hiện Nghị quyết 98 với tinh thần “không chờ đợi chỉ đạo”
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 98, tinh thần chung của các địa phương, đơn vị tại TPHCM là khẩn trương cụ thể hóa nghị quyết và bước đầu đã có một số kết quả đáng ghi nhận.
Tại huyện Cần Giờ, bà Mai Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện cho biết, với tinh thần áp dụng ngay và không chờ đợi chỉ đạo của thành phố, huyện ủy, UBND huyện Cần Giờ đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 98. UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai chủ đề năm 2024 của TPHCM với 3 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 14 nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 98.
Với kỳ vọng Cần Giờ sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, huyện đang nghiên cứu và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường trên các lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, môi trường, giao thông, năng lượng… trên cơ sở Nghị quyết 98 và Nghị quyết 12 về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm. Tất cả những nội dung này được tích hợp vào chương trình hành động Vì một Cần Giờ xanh. Trong đó, huyện đã và đang xây dựng Đề án thí điểm làng xanh kết hợp TOD; đồng thời xây dựng các nội dung có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển trong thời gian tới.
“Những dự án, những công việc như đã nêu ở trên là một chặng đường dài, đầy hứa hẹn và cũng có nhiều rủi ro, thách thức, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nỗ lực rất cao. Do đó, huyện Cần Giờ rất cần sự tiếp tục quan tâm của thành phố, sự hỗ trợ của các sở ngành, của chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân”, bà Mai Thị Tuyết Dung bày tỏ; đồng thời đề xuất TPHCM hỗ trợ huyện trong công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giờ để thực hiện các bước tiếp theo, hoàn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng vùng huyện trình UBND TPHCM phê duyệt trong năm 2024, bởi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để thu hút đầu tư, triển khai các dự án trên địa bàn.
Huyện Cần Giờ cũng kiến nghị thành lập Tổ Công tác liên ngành của Thành phố để tham mưu UBND TPHCM chương trình hành động "Vì một Cần Giờ xanh"; kiến nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng mới, tập trung (thí điểm) khu dân cư xanh nhằm phát triển đô thị gắn với phát triển giao thông...
Là địa phương được tiếp nhận Điều 10 tại Nghị quyết 98, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng thông tin, qua 8 tháng triển khai thực hiện, TP Thủ Đức đã hoàn thiện bộ máy tổ chức, sắp xếp bố trí nhân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. TP Thủ Đức cũng đã cơ bản vận hành hiệu quả các cơ chế, chính sách tại khoản 1 Điều 10 của nghị quyết, trong đó đã ban hành 6 quyết định chấp thuận chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho các dự án của nhà đầu tư trong nước sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn cũng như đã ban hành 3 quyết định điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2.000 và 1 quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500. Việc này đã và đang lan tỏa hiệu ứng tích cực cho môi trường đầu tư trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, khó khăn thách thức lớn nhất của TP Thủ Đức trong triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách là việc phải thực hiện tinh giảm biên chế theo đề án của Chính phủ. Việc này dẫn đến các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm số lượng biên chế lớn mặc dù khối lượng công việc ngày càng tăng cao cũng như đòi hỏi trình độ năng lực cao hơn để ngang tầm nhiệm vụ.
Nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng của TP Thủ Đức là rất lớn, nhưng khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư của TPHCM còn khó khăn. Do đó, để có những bước tiến đột phá, TP Thủ Đức rất cần được TPHCM hỗ trợ cơ chế huy động nguồn lực tài chính để đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn, qua đó tạo sự đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đô thị thông minh sáng tạo theo mục tiêu của TPHCM.
Mặc dù tại Nghị quyết 98 có điều khoản quy định "Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của nghị quyết này". Song, các vấn đề cần giải quyết thuộc sự điều chỉnh của rất nhiều quy định pháp luật chuyên ngành dẫn đến việc chưa thống nhất trong vận dụng hiệu quả nghị quyết.
TP Thủ Đức đề xuất UBND TPHCM, các sở, ngành hỗ trợ hướng dẫn các quy trình, thủ tục trong triển khai các nội dung, lĩnh vực đã phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức; tăng cường điều động, bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn tốt về công tác tại TP Thủ Đức.
Cho phép TPHCM xây dựng cơ chế chính sách tạm thời
PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐHQG TPHCM, nhận diện có 5 vấn đề còn tồn tại khi triển khai Nghị quyết 98. Trong đó, dù Quốc hội ban hành một số cơ chế đặc thù cho TPHCM nhưng trong thực tế triển khai vẫn phải thực hiện theo quy trình, thủ tục (phải thông qua bộ, ngành trung ương) dẫn đến chồng chéo, chậm trễ. Mặt khác, chưa có nhân sự chuyên trách ở bộ, ngành trung ương và TPHCM; tốc độ xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện nghị quyết còn khá chậm. Cơ chế phối hợp giữa TPHCM và các bộ, ngành chưa rõ ràng, còn tình trạng chờ đợi. Trong khi đó, Nghị quyết 98 quy định TPHCM có thể sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất liên vùng là khá hay nhưng chưa đủ, mà cần phải có cơ chế đột phá đặc thù về thể chế liên kết vùng trong phát triển giao thông liên vùng.
PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình cho rằng cần phải phân cấp, phân quyền cho TPHCM phù hợp với cơ chế đặc thù, ít phụ thuộc vào bộ, ngành trung ương mà vẫn đảm bảo đúng quy định. Để làm được điều này, những quy định chung nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 98 thì trao cho thành phố cơ chế đặc biệt phù hợp với thực trạng TPHCM và phù hợp với luật định. Có nghĩa, TPHCM được ủy quyền lập quy đồng bộ trên 3 phương diện: thẩm quyền, chủ thể quyết định và giải quyết vấn đề; tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện; quy trình xét duyệt. PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình cho rằng, nhóm vấn đề tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện tuy đã có văn bản hướng dẫn thi hành nhưng hiện nay gặp khó trong thực thi.
“Trong bối cảnh chưa có văn bản thay thế, nên cho phép TPHCM xây dựng cơ chế chính sách tạm thời để thực hiện những vấn đề vượt thẩm quyền nhưng phải đúng quy định pháp luật. Sau khi giải quyết xong vấn đề thì các gói này tạm dừng để chờ văn bản hướng dẫn”, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình phân tích.
Đánh giá cao hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Thành ủy viên, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, khẳng định các tham luận, ý kiến thảo luận sẽ là chất liệu khoa học quan trọng hỗ trợ cho Tổ văn kiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ TPHCM tham khảo, tổng kết lý luận, nghị quyết hóa tinh thần Nghị quyết 98 đưa vào Văn kiện Đại hội XII của Đảng bộ TPHCM.
Phát biểu kết luận, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình đánh giá, các tham luận, ý kiến phát biểu đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học, gợi mở những vấn đề vừa mang tính thực tiễn vừa mang tính lý luận dưới các góc nhìn khác nhau về chủ đề hội thảo. Đồng chí nhận xét, thông qua Nghị quyết 98 cho thấy sự đồng hành, đồng cảm, chia sẻ của cả nước trong tháo gỡ các khó khăn để TPHCM phát triển. Dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 vẫn còn những hạn chế, tồn tại khiến TPHCM chưa thể đi nhanh như mong muốn.
Từ các thông tin tại hội thảo, PGS-TS Lê Hải Bình khẳng định ban tổ chức hội thảo sẽ chắt lọc các thông tin, báo cáo Thành ủy TPHCM, trong đó sẽ truyền tải rõ các ý kiến đánh giá, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98 trong thời gian tới. Đồng chí mong muốn thông qua hội thảo, các nhà quản lý, điều hành sẽ có thêm góc nhìn trong chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 có hiệu quả, trước mắt là phục vụ thực hiện hiệu quả các công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.