Cơ chế đặc biệt hơn cho mô hình thành phố trực thuộc TPHCM
Dự thảo nghị quyết gồm 12 điều, quy định việc tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Khi thực hiện nghị quyết này, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM có nhiều thay đổi quan trọng.
Theo đó, dự thảo nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho HĐND, UBND, chủ tịch UBND thành phố, UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này. Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, dự thảo nghị quyết quy định giao cho chủ tịch UBND quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho UBND TPHCM) để đảm bảo quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án.
Qua thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết này theo quy trình tại một kỳ họp. Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc TPHCM, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc dự thảo nghị quyết quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để khi TPHCM được cấp có thẩm quyền thành lập thành phố trực thuộc có cơ sở xem xét, áp dụng. Tuy nhiên, phần liên quan đến tổ chức chính quyền tại thành phố thuộc TPHCM trong dự thảo nghị quyết vẫn chưa có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay (chỉ bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn do không tổ chức HĐND ở các phường trực thuộc), chưa có sự đổi mới để nâng cao hơn nữa về vị thế, thẩm quyền của chính quyền thành phố trực thuộc để có thể đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu nói trên. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn của chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận hiện nay để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.
Kiểm soát quyền lực chính quyền cơ sở
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh yêu cầu giám sát, kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương ở cơ sở. Trong đó, ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ hơn việc đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) lưu ý: “Với một địa phương có phạm vi diện tích tự nhiên rộng, quy mô dân số lớn nhất cả nước như TPHCM mà tới đây lại bớt đi một “kênh” giám sát là HĐND quận, huyện, phường thì yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của cấp ủy, đoàn ĐBQH, HĐND thành phố… để bảo đảm thực hiện tốt quyền dân chủ, chức năng đại diện của người dân và kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường là hết sức quan trọng”. ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhiều ĐB khác tán thành nhận định: “Việc đổi mới mô hình đô thị tại TPHCM là quan trọng, cấp bách, nên được tổ chức thực hiện ngay, không cần thí điểm”. Lý do là trước đây TPHCM đã thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đạt kết quả trên nhiều phương diện.
Chia sẻ nhận định này, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) phân tích thêm, khác với TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, dự thảo nghị quyết được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực; các nội dung của đề án đều phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước và pháp luật hiện hành. “Khi thảo luận xem xét dự thảo nghị quyết của TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, chúng ta đều cho rằng nếu không ban hành nghị quyết thí điểm thì vướng cả về cơ sở pháp lý và bài học thực tiễn. Trong khi đó, đối với nghị quyết của TPHCM lần này, mọi vướng mắc tương tự đã không còn, vì thế, không có lý do gì chúng ta không mạnh dạn đồng ý để TPHCM thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị như đề nghị của thành phố và Chính phủ, thể hiện sự tin tưởng của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ và chính quyền nhân dân TPHCM”, ĐB Phùng Văn Hùng bày tỏ quan điểm.
Kiến nghị của cử tri sẽ được giải quyết nhanh hơn
Mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM sẽ không tổ chức HĐND ở cấp quận và phường. Mục tiêu cao nhất của mô hình này không dừng lại việc loại bỏ bớt quy trình, thủ tục hay tiết giảm kinh phí. Đích đến là để hoạt động dân cử của cơ quan hành pháp, tư pháp nói chung và bộ máy chính quyền hoạt động đạt hiệu quả cao hơn.
Đáp ứng 2 yêu cầu quan trọng
Các đô thị lớn luôn có những đặc thù riêng. Chẳng hạn, tại TPHCM, trụ sở HĐND TPHCM đặt tại phường Bến Nghé, quận 1. Ngay tại quận 1, HĐND quận 1 và HĐND phường Bến Nghé cũng đặt tại phường này. Như thế, cùng địa bàn phường Bến Nghé nhưng có tới 3 cấp HĐND. Tức là có sự chồng chéo về địa lý và sự chồng chéo này không cần thiết. Trong khi đó, đối với vùng nông thôn, tổ chức HĐND ở cấp huyện, xã lại cần thiết.
Mục đích của việc không tổ chức HĐND quận, phường là để tăng hiệu quả phục vụ người dân. Qua nghiên cứu nhiều năm, đặc biệt là kinh nghiệm thực tế từ việc TPHCM từng thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện và phường (2009-2016) cho thấy, phạm vi, số lượng công việc mà HĐND quận, phường có thể giải quyết cho cử tri là không nhiều.
Thường người dân giao dịch, làm việc trực tiếp với UBND phường, UBND quận. Có những việc UBND quận, phường chưa giải quyết nhanh chóng thì HĐND quận, phường cũng không làm thay được mà thường kiến nghị ngang cấp hoặc chuyển kiến nghị lên cấp thành phố. Trong khi HĐND quận, phường đề nghị UBND quận, phường giải quyết kiến nghị của cử tri lại có khi phát sinh sự cả nể, dè chừng, thiếu kiên quyết do cùng cấp. Nhiều khi, cử tri báo cho HĐND phường, HĐND phường báo lên HĐND quận, HĐND quận lại báo lên HĐND thành phố. Những kiến nghị của cử tri vì thế “đi” lòng vòng rất lâu, có khi phải mất 6 tháng đến 1 năm mới được giải quyết. Qua đó cho thấy, phạm vi, hiệu quả giải quyết vướng mắc hay bức xúc của cử tri qua hoạt động của HĐND quận, phường không cao. Đương nhiên, mong mỏi của người dân đối với HĐND quận, phường thường không cao. Đặc trưng trên khá phổ biến ở HĐND quận, phường của các đô thị lớn.
Do vậy, việc không tổ chức HĐND quận, phường nhằm đáp ứng 2 yêu cầu. Một là để đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết việc của dân. Tức là làm sao để nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc của người dân được giải quyết một cách thực chất, nhanh hơn mà không phải chờ đợi, qua nhiều cấp. Hai là làm tinh gọn bộ máy chính quyền, tránh bệnh hình thức, tiết kiệm ngân sách. Kết quả thí điểm thời gian qua tại TPHCM đã minh chứng rất rõ điều này. Cụ thể, qua 5 năm không có ý kiến người dân phàn nàn, bức xúc về việc không có tổ chức HĐND quận, phường làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Điều đó có nghĩa là việc thí điểm đã mang lại hiệu quả.
Đòi hỏi cao đối với HĐND thành phố
Vấn đề đặt ra khi không tổ chức HĐND quận, phường thì bên cạnh Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, cử tri có thể “trông cậy” vào cơ quan dân cử nào khác ở địa phương để đại diện quyền lợi cho mình? Xin trả lời ngay là có. Chỉ khác là, cơ quan dân cử thay vì 4 cấp (Quốc hội, HĐND thành phố, HĐND quận, HĐND phường) thì với mô hình mới sẽ còn 2 cấp, là Quốc hội và HĐND thành phố. Như vậy, đối với cấp quận, phường, khi không có HĐND thì chức trách dân cử, chức trách đại biểu sẽ được HĐND thành phố gánh vác. Cử tri thay vì phải kiến nghị tuần tự từ cấp HĐND phường lên HĐND quận, rồi HĐND thành phố, giờ đây có thể phản ánh thẳng với HĐND TPHCM. Đây là điểm lợi đối với cử tri.
Từ đó, đòi hỏi cao hơn đối với HĐND TPHCM là phải luôn đổi mới, nỗ lực cải tổ hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Việc có cần tăng thêm đại biểu HĐND cấp thành phố đối với các đô thị lớn như TPHCM hay không, tôi cho rằng cần phải suy nghĩ thêm. Cơ cấu đại biểu của HĐND thành phố cũng cần tính toán lại để có thể bao quát được hết công việc, nhất là ở những nơi không tổ chức HĐND quận, phường. Ngoài ra, mạng lưới, tần suất tiếp cử tri và những kênh thông tin để cử tri tương tác với HĐND thành phố cũng cần mở ra thêm, tạo điều kiện cho cử tri có thể kết nối, tương tác, phản ánh trực tiếp với HĐND thành phố.
Trong cách thức tiếp xúc cử tri, HĐND TPHCM nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các đường dây nóng với nguồn nhân lực phù hợp để phân loại rồi chuyển yêu cầu, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Khi kiến nghị của cử tri gặp trắc trở, HĐND thành phố cần giám sát, lên tiếng với UBND quận, phường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cử tri. Với cách làm khoa học này, tôi tin rằng hoạt động của HĐND thành phố và các đại biểu HĐND thành phố sẽ đỡ vất vả và hiệu quả hơn.
Đại biểu Quốc hội