Chương trình giúp kết nối doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp gỡ trực tiếp bộ phận thu mua của hệ thống cửa hàng bán lẻ thuộc Central Group Thái Lan để tìm hiểu về nhu cầu và tín hiệu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, các quy định và thủ tục theo luật định, sản phẩm chủ lực nào mà DN Việt Nam cần tập trung cũng như những điều chỉnh phù hợp để có thể thâm nhập thị trường Thái Lan nói riêng và ASEAN nói chung.
Tham gia kết nối có 51 DN, bao gồm 30 DN thực phẩm và các DN hàng gia dụng, thời trang, mỹ phẩm, hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ. Phía thu mua là sự góp mặt của các đơn vị bán lẻ thuộc Central Group Thái Lan: Central Pattana Group (CPN), Central Department Store Group (CDG), Centara Hotels & Resorts (CHR), Central Restaurants Group (CRG), Central Home Group (CHG), Central Online Group (COL).
Hai bên đã thực hiện hơn 100 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi trực tiếp để thảo luận về các vấn đề nhằm tăng lượng hàng xuất khẩu vào Thái Lan, thông qua hệ thống phối của Central Group Việt Nam.
Đối với DN Việt Nam, đây cơ hội tìm hiểu nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, điều kiện cần đáp ứng để hoàn thiện sản phẩm, quy trình sản xuất.
Với các DN đã có sẵn tiềm lực xuất khẩu, đây là cơ hội tốt để trực tiếp giới thiệu sản phẩm và trao đổi các phương thức hợp tác kinh doanh, qua đó giảm thiểu khâu trung gian, tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm xuất khẩu sang hệ thống bán lẻ thuộc Central Group một cách hiệu quả, bền vững.
Ngược lại, với các nhà bán lẻ thuộc Central Group Thái Lan cũng sẽ tìm kiếm thêm các nhà cung cấp, nhằm đa dạng hoá sản phẩm kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống Central Group.
Theo các bộ phận thu mua của Central Group, hầu hết các mặt hàng tham gia vào tuần hàng năm nay có chất lượng tốt. Tuy nhiên, điểm yếu của hàng Việt là mẫu mã chưa đẹp, chưa đa dạng, phong phú. Mặt khác, sản lượng hàng hoá còn quá nhỏ bé nên khả năng cung ứng các đơn hàng lớn là chưa khả thi. Do vậy, để khắc phục nhược điểm này, các DN nhỏ và vừa Việt Nam cần có sự đầu tư nhiều hơn trong việc đa dạng bao bì, mẫu mã, đồng thời cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để tạo ra một sản lượng hàng hoá đủ lớn. Bằng không, sẽ rất khó chen chân vào các hệ thống phân phối lớn.
Cùng quan điểm này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cũng cho rằng do mức độ tương đồng giữa hàng Thái và hàng Việt rất cao nhưng hàng Thái lại có sự khác biệt rất lớn về bao bì, mẫu mã nên để hàng Việt phát triển được tại Thái thì cần có sự đầu tư rất nghiêm túc về mẫu mã, giá cả cạnh tranh nhằm tạo nên sự khác biệt.
Ông Nguyễn Long Hải, Trưởng phòng kinh doanh Cơ sở sản xuất và Chế biến cà phê Long Triều (Lâm Đồng), thừa nhận, năm 2017, công ty chỉ mang sản phẩm cà phê bột sang tham dự tuần hàng, mẫu mã bao bì hơi chìm, chỉ có hai màu xanh rêu và màu nâu. Khi về Việt Nam, chúng tôi được Central Group Vietnam tư vấn thêm màu xanh lá, màu cam, màu vàng, và xanh dương, bao bì trông bắt mắt hơn.
Bà Đặng Thị Diễm Thúy, phụ trách mảng kinh doanh nội địa của Công ty cổ phần Vinamit, cho hay: Người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng sản phẩm tự nhiên (organic) nên năm nay chúng tôi sẽ tăng cường thêm gian hàng organic, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm này để chinh phục thị trường Thái Lan.
Tham dự hội nghị kết nối, Vụ trưởng Vụ Âu - Mỹ Tạ Hoàng Linh, đánh giá rất cao về chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, 3 năm trước đây, khi lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái lan, vẫn chưa có DN Việt Nam nào đưa hàng vào được hệ thống phân phối của Central Group. Hôm nay, sau 3 năm, đã có nhiều DN làm được điều này. Đây là một việc không hề đơn giản, vì hệ thống siêu thị của Central Group là một hệ thống siêu thị cao cấp ở Thái lan, với tiêu chuẩn rất cao. Kết quả này không chỉ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng lên, mà còn phản ánh một sự thay đổi lớn về tư duy của các DN Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường nước ngoài, cũng như năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa của DN Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn.