Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp trồng cây và Người từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Ngày 28-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn.
Khu Di tích Đá Chông (K9) do Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý là địa danh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Nơi đây gắn liền với nhiều hoạt động của Trung ương và Bác Hồ trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Tiếp nối truyền thống cách mạng, giờ đây Khu Di tích Đá Chông là nơi tham quan, tổ chức sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ Việt Nam.
Với ý nghĩa lịch sử và nhân văn đó, với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng niệm 50 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1969 –2-9-2019), Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Môi trường và Năng lượng tái tạo tổ chức chương trình “Sứ giả môi trường”, với sự tham gia của 300 đại biểu, trồng 180 cây Chò chỉ và Giáng hương tại Khu B, phù hợp với thổ nhưỡng của Khu Di tích Đá Chông K9.
Đại tá Nguyễn Ngọc Huân, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chương trình trồng cây là một trong những sự kiện quan trọng mà Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Môi trường và Năng lượng tái tạo tổ chức trong dịp này. Qua đó, tuyên truyền giáo dục để mọi người nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực, góp phần giữ gìn, tôn tạo Khu di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.
Ông Vũ Trường Xuân - Viện trưởng Viện Môi trường và Năng lượng tái tạo cho biết, đây là một trong chuỗi các hoạt động trồng cây làm theo lời Bác mà Viện tổ chức. Điều đó, góp phần tôn tạo thêm cảnh quan tươi đẹp của Khu địa danh lịch sử đặc biệt này. Nhân dịp này, 30 đại biểu tiêu biểu vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ.