Ngày 17-9, Thành ủy TP Thủ Đức tổ chức hội nghị tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Dự và phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường điểm lại các kết quả nổi bật trong công tác dân vận của TP Thủ Đức. Trong đó, vận động 13.983 hộ dân tham gia hiến đất mở đường, với tổng diện tích 410.553m2 đất (tổng giá trị đất tương đương số tiền 1.464 tỷ đồng). Ngoài ra, nhân dân đóng góp kinh phí trên 1.197 tỷ đồng và hơn 10.000 ngày công để thực hiện các công trình. Công tác giám sát, phản biện xã hội được triển khai tích cực, có 4.081 cuộc giám sát cấp TP Thủ Đức và 6.498 cuộc giám sát cấp phường; 1.067 cuộc phản biện xã hội cấp TP Thủ Đức, 1.000 cuộc phản biện xã hội cấp xã.
Đồng chí đánh giá đây là kết quả thuyết phục cho việc triển khai dân chủ ở cơ sở tại từng địa phương, đơn vị của TP Thủ Đức đã thực hiện những năm qua. Qua đó, huy động được đông đảo người dân trên địa bàn TP Thủ Đức tham gia hiến đất mở rộng hẻm; tích cực trong chỉnh trang đô thị, thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn; khẳng định, thể hiện rõ nét chủ trương của Đảng trong phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trên địa bàn. Đồng thời, thể hiện sự chung vai góp sức, đồng lòng của nhân dân tham gia cùng đảng bộ, chính quyền chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nề nếp, đồng bộ hơn các chỉ đạo về dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là triển khai và tổ chức thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện nề nếp việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; lắng nghe, giải quyết bức xúc, khiếu nại của nhân dân.
Cùng với đó, trong thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện công tác dân vận chính quyền, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn việc cải cách thủ tục hành chính, tiếp công dân, giải quyết vấn đề thực tiễn tại cơ sở gắn với triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát đối với các vấn đề trực tiếp tác động đến đời sống của người dân.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức nhấn mạnh, vấn đề dân chủ là xuyên suốt trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực tiễn xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã khẳng định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ và ngày càng phát huy hiệu quả trên thực tế. Dành nhiều thời gian phân tích hàm ý “dân thụ hưởng”, đồng chí yêu cầu các cấp ủy, địa phương phải nhìn thấy trước kết quả vận động nhân dân để cùng nhân dân tổ chức thực hiện nội dung đó cho hiệu quả, phục vụ lại chính cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo, thời gian qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn TP Thủ Đức ngày càng đi vào chiều sâu, công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều tiến bộ, tạo niềm tin với nhân dân.
Qua đó, góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.
Dịp này, Thành ủy TP Thủ Đức tặng giấy khen đến 52 tập thể và 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 25 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị.