Một số nội dung chậm so với kế hoạch
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54, trong thời gian ngắn, TPHCM đã khẩn trương, đồng bộ và sáng tạo xây dựng các chương trình, đề án để triển khai. UBND TPHCM đã trình và được HĐND TPHCM thông qua 13 nội dung quan trọng: Ủy quyền; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học…
Đến nay, TPHCM chấp thuận 31 dự án chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên, với tổng diện tích hơn 1.893ha; thông qua các dự án nhóm A trọng điểm của thành phố như dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; dự án Nhà hát Giao hưởng - nhạc - vũ kịch.
Việc triển khai điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn việc sử dụng nước sạch, tăng tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải ra môi trường. Việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực!
Tuy nhiên, UBND TPHCM đánh giá, do nghị quyết mới được triển khai trong thời gian ngắn, hiệu quả kinh tế - xã hội nhìn chung còn khiêm tốn; việc triển khai một số nội dung có chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách như các nguồn thu từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, tiền sử dụng đất do bán tài sản của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TPHCM… chưa được thực hiện nên chưa có nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn thành phố, chưa thật sự tạo động lực mới giúp TPHCM phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Cần phân cấp mạnh mẽ và quy định chi tiết hơn
Nhận xét về cơ chế phân cấp, ủy quyền khi thực hiện Nghị quyết 54, PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước (Trường Đại học Luật TPHCM), cho rằng thời gian qua, TPHCM mới sử dụng phương thức duy nhất là ủy quyền mà chưa mạnh dạn sử dụng phương thức mang tính đột phá cao hơn là phân cấp.
Trong khi đó, cơ chế phân cấp thể hiện sự ổn định và dứt khoát cao hơn phương thức ủy quyền. Để tận dụng một cách tốt nhất cơ chế, theo ông Vũ Văn Nhiêm, TPHCM cần mạnh dạn phân cấp cho sở-ngành và UBND quận-huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM. Việc ủy quyền cũng cần mở rộng, mạnh mẽ hơn và hướng dẫn cấp quận-huyện phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới.
Hiện nay, UBND TPHCM đang rà soát tất cả các lĩnh vực để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét, điều chỉnh các nghị định, thông tư theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho TPHCM. Về lâu dài, cần ban hành một nghị định mới về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM. Trong đó, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục phân cấp mạnh cho TPHCM thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù ở thành phố.
Cụ thể, về tổ chức bộ máy, cần cho phép TPHCM phê duyệt đề án, danh mục vị trí việc làm, quyết định cơ cấu viên chức theo hạng chức danh nghề nghiệp, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố. Trong lĩnh vực tài chính - kế hoạch và đầu tư, cần cho phép TPHCM được phép bố trí vốn khởi công mới và thanh toán ngay trong năm các công trình thuộc nguồn vốn UBND TP tự cân đối. Trong xây dựng, cho phép TPHCM quy định chi tiết về lĩnh vực quy hoạch, cấp phép xây dựng đối với địa bàn thành phố.
Để triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, TPHCM đã chọn chủ đề năm 2019 là Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội. UBND TPHCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của thành phố, sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn thành phố. Nỗ lực này kỳ vọng giúp TPHCM có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng. |
Một trở ngại rất lớn trong việc thực hiện Nghị quyết 54 mà UBND TPHCM đã nhận diện là sự chồng chéo, không thống nhất giữa các quy định pháp luật liên quan. Bởi, các nội dung thuộc Nghị quyết 54 còn liên quan đến nhiều luật, nghị định, thông tư khác, mà có khi đụng đâu vướng đó. Các quy định trong Nghị quyết 54 cũng còn khá chung chung, chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Riêng trong lĩnh vực đất đai, Nghị quyết 54 cho phép HĐND TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân. Tuy nhiên, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể trình tự, thủ tục lấy ý kiến người dân đối với trường hợp này. Góp phần “vá” khoảng trống này, TS Đặng Anh Quân, Khoa Luật Thương mại (Trường Đại học Luật TPHCM), cho rằng thành phố cần hướng dẫn cụ thể về cơ chế lấy ý kiến của nhân dân khi quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Cụ thể, cơ quan nào có trách nhiệm lấy ý kiến, hình thức, nội dung, thời điểm lấy ý kiến; chế tài xử lý đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền không thực hiện lấy ý kiến người dân đúng quy định… Đồng thời, quy định rõ về tỷ lệ phần trăm ý kiến người dân đồng ý với việc chuyển mục đích, bao nhiêu phần trăm đồng ý thì được coi là người dân đồng tình, và ngược lại?